Tăng cường phòng, chống bệnh Dại

14:06, 23/05/2023

BHG - Bệnh Dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Hiện nay đã bước vào mùa Hè, thời tiết nắng nóng, là môi trường thuận lợi để bệnh Dại bùng phát, lây lan. Các địa phương và ngành chuyên môn đang triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh Dại và nâng cao ý thức của người dân, hạn chế tối đa những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Lực lượng chức năng phường Trần Phú (thành phố Hà Giang) bắt, xử lý chó thả rông.
Lực lượng chức năng phường Trần Phú (thành phố Hà Giang) bắt, xử lý chó thả rông.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh có 3.748 người bị chó cắn phải tiêm dự phòng, 9 người tử vong do bệnh Dại. Theo số liệu thống kê qua từng năm, số người bị chó cắn phải tiêm dự phòng có dấu hiệu tăng trong vài năm gần đây. Nguyên nhân chính là do chó, mèo nuôi ít được tiêm phòng bệnh Dại. Theo quy định, các hộ nuôi phải đăng ký và mang chó, mèo đi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại định kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng người dân đến tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo không cao.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo nuôi chưa được các địa phương quan tâm; việc thống kê, lập sổ quản lý đàn chó nuôi chưa được triển khai nghiêm túc. Ở nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng nông thôn, người dân nuôi chó thường thả rông, không có dây xích, rọ mõm, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Việc phát hiện, điều tra, các trường hợp vật nuôi nghi mắc bệnh Dại chủ yếu thông qua người dân đến Trung tâm Y tế để điều trị dự phòng sau khi đã bị chó, mèo cắn; số lượng các trường hợp do thú y xã, người dân phát hiện và báo cáo rất ít.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh gặp những khó khăn nhất định do nhận thức của người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại còn hạn chế. Tình trạng thả rông chó, không rọ mõm thường xuyên xảy ra, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Một số địa phương chưa quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại và quản lý đàn chó nuôi. Do vắc xin tiêm bệnh Dại không được Nhà nước hỗ trợ, người dân phải mua với giá khá cao nên việc tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó đạt thấp; số lượng chó được tiêm vắc xin chỉ tập trung ở khu vực thành phố và một số huyện vùng thấp. Bên cạnh đó, đội ngũ thú y cơ sở thường xuyên biến động, trình độ chuyên môn còn hạn chế, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung và bệnh Dại nói riêng...

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, các xã, thị trấn rà soát, thống kê số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư và số chó nuôi trong từng hộ gia đình để quản lý. Yêu cầu các hộ nuôi chó ký cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, thực hiện xích, nhốt, rọ mõm theo quy định. Tổ chức cao điểm tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 80% tổng đàn để ngăn ngừa bệnh Dại phát sinh và lây lan. Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin Dại theo Nghị định số 90/2017 của Chính phủ.

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức triển khai quyết liệt công tác quản lý chó, mèo nuôi; tiêm vắc xin, giám sát bệnh Dại trên động vật, đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin Dại cho động vật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thú y, đặc biệt trong phòng, chống dịch bệnh động vật và bệnh Dại.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh Dại cũng được các địa phương đẩy mạnh triển khai với nhiều hình thức như: Tuyên truyền lưu động ở cơ sở; thông qua các báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ y tế, thú y cơ sở; phát tài liệu tuyên truyền tới tận tay người dân; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề. Đặc biệt đẩy mạnh truyền thông trong các trường học về phòng, chống bệnh Dại.

Để góp phần hạn chế và đẩy lùi bệnh Dại, bên cạnh trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, người dân cần chấp hành nghiêm quy định về nuôi chó, mèo; không thả rông và thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Dại đầy đủ cho chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được dự phòng kịp thời, không sử dụng thuốc đông y hoặc các loại thuốc khác không theo quy định của ngành Y tế thay thế vắc xin để điều trị bệnh Dại, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài, ảnh: YÊN HOA


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn chống chọi với khô hạn kéo dài
BHG - Những ngày này, người dân các xã, thị trấn huyện Đồng Văn đang sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất trầm trọng do từ đầu tháng 3 đến nay thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài. Các hộ gia đình, một số trường học trên địa bàn huyện phải mua nước để đảm bảo cung cấp tối thiểu phục vụ cho cuộc sống.
23/05/2023
Trường THCS Lê Quý Đôn trao thưởng học sinh giỏi các cấp
BHG-Sáng 23.5, Trường THCS Lê Quý Đôn (Thành Phố Hà Giang) tổ chức Lễ tổng kết năm học và vinh danh, trao thưởng giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập. Dự buổi lễ có lãnh đạo thành phố Hà Giang.
23/05/2023
Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Mèo Vạc lần thứ XI
BHG - Ngày 22.5, Hội Nông dân huyện Mèo Vạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Dự đại hội có đồng chí Vương Ngọc Hà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy; lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh.
23/05/2023
Người dân vẫn được tiêm miễn phí vaccine phòng COVID-19
Bộ Y tế vừa có quyết định 2227/QĐ-BYT về ban hành kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2023 để tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi trở lên, đồng thời chuẩn bị để triển khai tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi, tiêm các mũi nhắc lại tiếp theo khi có khuyến cáo.
23/05/2023