“Ống tiết kiệm 3 sạch” Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
BHG - “Ống tiết kiệm 3 sạch” giúp hàng chục hội viên nghèo của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Hoàng Su Phì thực hiện nhiều phần việc thiết thực, ý nghĩa, góp phần nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh và chất lượng cuộc sống.
Trao kinh phí từ “Ống tiết kiệm 3 sạch” thôn Bản Cậy, xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì) cho hội viên làm đường bê tông vào nhánh nhóm hộ. |
Gia đình chị Lừu Thị Phấn, thôn Pặc Ngum, xã Chiến Phố là hộ cận nghèo. Thực hiện chủ trương xây dựng Nông thôn mới, gia đình chị được tuyên truyền, vận động làm đường bê tông vào nhánh hộ, tuy nhiên điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn nên việc làm đường bê tông bị trì hoãn. Nắm bắt khó khăn của hội viên, Chi hội Phụ nữ thôn Pặc Ngum quyết định hỗ trợ chị Phấn 1,5 triệu đồng từ kinh phí của “Ống tiết kiệm 3 sạch” để mua vật liệu và giúp đỡ ngày công, giúp gia đình chị Phấn hoàn thành việc đổ đường bê tông vào nhánh hộ. Gia đình chị Vàng Thị Đường, thôn Pố Ải, xã Đản Ván cũng là hộ khó khăn, thiếu lao động. Sau khi được hỗ trợ số tiền 2,4 triệu đồng từ “Ống tiết kiệm 3 sạch” và ngày công lao động, chị đã bó láng được nền nhà, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Đó là 2 trong số hàng chục hội viên phụ nữ của huyện Hoàng Su Phì được hưởng lợi từ chương trình “Ống tiết kiệm 3 sạch”.
Với mục tiêu thiết thực góp sức, chung tay tham gia xây dựng Nông thôn mới, nếp sống văn minh và cụ thể hóa Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” do T.Ư Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì xây dựng mô hình “Ống tiết kiệm 3 sạch” (Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Mô hình được triển khai thí điểm năm 2021 tại thôn Cóc Cọc, xã Sán Sả Hồ. Đến nay đã nhân rộng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với 70 ống tiết kiệm, tổng số tiền tiết kiệm được trên 270 triệu đồng. Tiêu biểu có xã Thông Nguyên nhân rộng 7 ống tiết kiệm, xã Sán Sả Hồ 6 ống, xã Thàng Tín 6 ống.
Bằng hình thức thành lập nhóm đóng góp tiền mặt quay vòng trong tháng; mỗi nhóm từ 12 thành viên trở lên, mức đóng góp do các thành viên trong nhóm tự thống nhất, mỗi tháng, một thành viên trong nhóm nhận khoản tiền do các thành viên đóng góp, sử dụng vào các phần việc: Sửa chữa nhà ở, xây bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh, làm đường bê tông vào nhánh hộ, xây tường bao xung quanh nhà, xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, bó láng nền nhà và mua sắm các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Ngoài đóng góp bằng tiền mặt, các thành viên còn đóng góp bằng ngày công, giúp các hội viên hoàn thành công trình.
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, một số phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa; nhiều hội viên phụ nữ là hộ nghèo, khó khăn trong việc vận động tham gia xây dựng Nông thôn mới. Vì vậy, sau 2 năm thực hiện, “Ống tiết kiệm 3 sạch” không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, cải thiện điều kiện sinh hoạt hàng ngày, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và nỗ lực vươn lên của hội viên phụ nữ, đồng thời phát huy vai trò phụ nữ chung tay cùng địa phương thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới và xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì Hoàng Thị Hường chia sẻ: “Mô hình “Ống tiết kiệm 3 sạch” tuy việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, tạo lan tỏa trong phong trào hội, giúp nhiều hội viên nghèo thực hiện các phần việc ý nghĩa để nâng cao chất lượng cuộc sống. Trên cơ sở kết quả đạt được, Hội LHPN huyện tổ chức sơ kết, đánh giá cụ thể, rút ra bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện, từ đó đề ra giải pháp và mục tiêu tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tiếp theo”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc