Những bài học kinh nghiệm quý trong xóa bỏ hủ tục
BHG - Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh (Nghị quyết số 27) là làn gió mới, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao đời sống nhân dân; đồng thời cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý trong việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tiễn ở cơ sở.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục. |
Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nướ về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phát triển KT - XH, đảm bảo QP-AN, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới, dân tộc thiểu số chiếm trên 87%; một số tập quán lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống, để lại nhiều hệ lụy, kìm hãm sự phát triển của địa phương.
Lễ cấp Sắc của người Dao xã Cao Bồ (Vị Xuyên) được rút gọn, giảm bớt các nghi lễ rườm rà, tốn kém. |
Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời quyết tâm đột phá vào những vấn đề khó để tạo ra sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 27. Đây là “kim chỉ nam” để cả hệ thống chính trị và người dân cùng tham gia vào cuộc cách mạng văn hóa mới với quan điểm thường xuyên, liên tục, hiệu quả, bền vững.
Ngay khi nghị quyết ra đời, Ban Chỉ đạo các cấp được thành lập, các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa thành nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch hành động gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn hàng năm. Công tác tuyên truyền được tổ chức đa dạng, phong phú, linh hoạt bằng nhiều hình thức; 100% thôn, tổ dân phố thành lập Tổ tuyên truyền, vận động; phát huy tốt vai trò của Hội nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng.
Các địa phương xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả như: Huyện đoàn Đồng Văn tổ chức cưới tập thể cho đoàn viên, thanh niên khi đến tuổi kết hôn; Hội Phụ nữ thành lập Câu lạc bộ “phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; thành phố Hà Giang tổ chức hội thi tuyên truyền “Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”; thanh niên Bắc Mê cưới tiết kiệm, văn minh; huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần vận động mọi người không dự lễ cưới các cặp đôi tảo hôn. Trong 1 năm qua, đã có 9.910 cặp đôi đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh với tinh thần vui tươi, tiết kiệm, các nghi lễ trong đám cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp với văn hóa truyền thống từng dân tộc. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống giảm đảng kế, các địa phương đã vận động hoãn hôn thành công 330 cặp.
Việc tang lễ được tổ chức đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa từng dân tộc, dòng họ. Các hủ tục dần được loại bỏ, hạn chế việc giết mổ nhiều gia súc, thi hài người chết được chôn cất chu đáo, đảm bảo vệ sinh, trong đó thành phố Hà Giang thực hiện “Đám tang không nhận vòng hoa, bức trướng”; huyện Mèo Vạc xây dựng mô hình dòng họ tự quản về an ninh trật tự gắn với bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh; Huyện Quản Bạ thành lập ban tang lễ thôn, tổ dân phố, vận động 13/14 dòng họ dân tộc Mông đưa người chết vào áo quan.
Các lễ hội truyền thống tổ chức trang trọng, đúng nghi thức dân gian, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Nhân dân thay đổi tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Các huyện, thành phố đã khen thưởng cho 48 tập thể và 140 cá nhân có thành tích trong thực hiện Nghị quyết số 27.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 27 còn hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và tính cấp bách của việc xóa bỏ hủ tục; chưa quan tâm, thiếu sáng tạo trong triển khai thực hiện; công tác tuyên truyền có nơi chưa hiệu quả; chưa có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để nhân rộng; đặc biệt một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ hệ lụy của những hủ tục đối với đời sống.
Thực tế triển khai nghị quyết ở cơ sở đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc: Cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải xác định việc xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội; gắn nhiệm vụ xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của địa phương, cơ quan, đơn vị; kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân bằng nhiều hình thức với phương châm “lấy xây để chống”, “mưa dầm thấm lâu”, đồng thời phát huy tốt vai trò người có uy tín trong cộng đồng; nhân rộng, lan tỏa, khen thưởng kịp thời những mô hình hay, gương điển hình tiêu biểu; thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; quan tâm, đầu tư, đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; ban hành cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực xã hội xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc