Nậm Dịch nỗ lực đẩy lùi hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh
BHG - Xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì) có 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng. Xác định những phong tục, tập quán lạc hậu là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc; thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để người dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, hướng đến xây dựng nếp sống văn minh.
Cán bộ xã Nậm Dịch tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục. |
Trước đây, trong đời sống của người dân Nậm Dịch còn tồn tại nhiều hủ tục, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang. Điển hình như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tổ chức đám cưới, đám tang dài ngày, giết mổ nhiều gia súc; người chết không đưa vào áo quan mà để lâu ngày trong nhà... Những hủ tục trên không chỉ khiến đời sống của bà con đói nghèo, lạc hậu, mà còn ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân. Thực hiện Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung triển khai với phương châm “mưa dầm thấm sâu”. Trong đó, giải pháp chính là các ngành, đoàn thể của xã phối hợp với ban cán sự thôn tổ chức họp dân, đến từng hộ gia đình nắm bắt tình hình tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục.
Đặc biệt, xã đã chủ động mời những người có uy tín ở các thôn, bản, hội viên Hội nghệ nhân dân gian xã; các thầy mo, thầy cúng trong cộng đồng tổ chức họp để bàn bạc, thống những phong tục nào cần cắt giảm, xóa bỏ và cải tiến. Cụ thể, trong việc cưới, thống nhất cắt giảm các thủ tục rườm rà, không tổ chức đám cưới linh đình, ăn uống nhiều ngày mà tổ chức bằng hình thức đơn giản, văn minh, tiết kiệm. Không còn tình trạng thách cưới cao; nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cũng từng bước được đẩy lùi. Trong năm 2022, cấp ủy, chính quyền xã, thôn đã kịp thời can thiệp, hoãn hôn cho 2 cặp chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định.
Trong việc tang, một số hủ tục cũng được xóa bỏ, các gia đình đều tổ chức đám gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh gia đình mà vẫn giữ gìn được truyền thống văn hóa của dân tộc. Người dân đã tự nguyện cắt giảm những thủ tục rườm rà, nghi lễ cầu kỳ; không tổ chức việc hiếu quá 48 giờ; không giết mổ nhiều gia súc. Đặc biệt, đã có gia đình lựa chọn hình thức hỏa táng, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.
Đồng chí Giàng Mí Lử, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Dịch cho biết: Thôn có 95% dân tộc Mông, trước đây trong việc cưới, việc tang của đồng bào còn tồn tại nhiều phong tục lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các gia đình. Thời gian qua, dưới sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền xã và thôn, các gia đình đã tự nguyện tổ chức đám cưới, đám tang theo hướng văn minh, đơn giản, tiết kiệm. Đặc biệt, trong đám hiếu, trước đây, người dân thường tổ chức 5 - 7 ngày, thì nay chỉ tổ chức từ 2 - 3 ngày; chỉ mổ lợn, dê thay vì bắt buộc phải mổ trâu như trước đây; bỏ việc người nhà quỳ lạy từng người đến thăm viếng và một số thủ tục không cần thiết khác. Nhờ đó, nhiều gia đình không còn lâm vào cảnh nợ nần sau khi tổ chức đám cưới, đám tang như trước. Việc xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh được bà con rất đồng tình, ủng hộ.
Không chỉ văn minh trong việc cưới, việc tang mà xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu còn được cấp ủy, chính quyền xã chú trọng thực hiện trong tổ chức lễ hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, các nghi lễ mê tín dị đoan, những nghi thức rườm rà trong các lễ hội vui Xuân, đón Tết của các dân tộc cũng được xóa bỏ; đồng thời những lễ hội đậm đà bản sắc của đồng bào được bảo tồn, gìn giữ và phát huy như Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ Xuống đồng của người Tày, Lễ Cúng rừng của dân tộc Nùng... Nhân dân đã có nhiều thay đổi trong tập quán sinh hoạt, sản xuất; không làm chuồng trại gia súc gần nhà hay trước cửa để đảm bảo vệ sinh môi trường; không tổ chức cúng bái khi có người ốm đau mà đưa đến bệnh viện để khám chữa; thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; tích cực phát triển kinh tế gia đình, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Bí thư Đảng ủy xã Nậm Dịch, Đinh Văn Hùng cho biết: Đến nay 100% thôn, bản của xã đã thành lập Tổ dân vận, Ban tang lễ do trực tiếp Bí thư Chi bộ hoặc Trưởng thôn làm trưởng ban. Khi các gia đình trong thôn có việc cưới, việc tang, cấp ủy, chính quyền xã sẽ cử cán bộ phối hợp với các tổ dân vận, ban tang lễ ở thôn, bản trực tiếp đến bàn bạc, thống nhất với gia đình tổ chức theo hướng gọn nhẹ, văn minh, tiết kiệm. Nhờ đó, nhận thức của nhân dân được nâng lên, đã ý thức được mặt trái và hệ lụy của những phong tục, tập quán lạc hậu, từ đó thay đổi nếp sống, cách nghĩ; tự nguyện, chủ động xóa bỏ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn hóa mới; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực lao động, sản xuất, xây dựng đời sống ấm no.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc