Đồng Văn đẩy lùi hủ tục trong tang lễ dân tộc Mông
BHG - Dân tộc Mông chiếm trên 80% dân số ở huyện Đồng Văn, gồm 19 dòng họ, nhánh dòng họ. Trong quá trình phát triển, đồng bào dân tộc Mông cùng các dân tộc khác đã có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của huyện nhà. Tuy nhiên, địa bàn cư trú của đồng bào Mông chủ yếu là ở vùng núi cao, vùng sâu, xa, biên giới, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tập tục lạc hậu vẫn tồn tại, đặc biệt là trong tang lễ.
Lãnh đạo xã Lũng Thầu trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. |
Thực hiện Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Đồng Văn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng quy định và quy ước, hương ước của thôn. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn, đến nay nhiều dòng họ, nhánh họ đã từng bước thay đổi về nhận thức, nhiều hủ tục, tập quán rườm rà trong việc cưới, việc tang đã được xóa bỏ, điển hình như việc thay đổi trong phúng viếng đám tang không đi lễ, trả lễ bằng đại gia súc gây tốn kém; thực hiện đưa người chết vào áo quan ngay khi làm lễ tang tại nhà; không tổ chức đám tang dài ngày (quá 48 tiếng); không giết mổ nhiều gia súc.
Kết quả nổi bật nhất là đã vận động mới được 6 dòng họ, nhánh dòng họ là đồng bào dân tộc Mông thực hiện đưa 13 người chết vào áo quan, gồm: Họ Sùng thôn Má Lầu A, xã Má Lé; họ Sùng thôn Lô Lô Chải, họ Ly thôn Nhù Sa và thôn Mà Lủng, xã Lũng Táo; họ Thào thôn Chúng Pả B, họ Hầu thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo; họ Vàng thôn Chúng Mung, thôn Đậu Chúa, xã Thài Phìn Tủng; họ Vàng thôn Khó Cho, xã Vần Chải; họ Giàng thôn Pù Trừ Lủng, xã Sủng Là...
Có được kết quả đó, Đảng bộ huyện đã thực hiện tốt phương châm “thường xuyên, liên tục, hiệu quả, bền vững” trên nguyên tắc tuân thủ chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai đồng bộ, quyết liệt trên cả hai mặt “xây” và “chống”. Ngay sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27, huyện thành lập Ban Chỉ đạo, lựa chọn xã làm điểm, dòng họ, nhánh dòng họ làm điểm, từ đó để rút kinh nghiệm. Khảo sát nhận diện rõ đâu là hủ tục rườm rà làm cho kinh tế, văn hóa, xã hội bị trì trệ, chậm phát triển, là “rào cản” thì cần xóa bỏ và đâu là phong tục tốt đẹp cần gìn giữ, phát huy, trên cơ sở thực tiễn của mỗi địa phương đã có 15/19 xã, thị trấn ban hành nghị quyết chuyên đề về xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Trong 2 năm huyện đã tổ chức được 16 hội nghị với 1.373 lượt đại biểu tham dự; các xã, thị trấn tổ chức được 526 hội nghị tuyên truyền cho 48.330 lượt người tham gia. Bên cạch đó, các cấp, ngành tổ chức được 51 hội nghị, hội thảo, mạn đàm mời các chuyên gia, nhà khoa học, các thầy mo, thầy cúng, thầy khèn, trống, thầy tạo, người có uy tín, Hội nghệ nhân dân gian, người am hiểu về phong tục, tập quán địa phương, trưởng các dòng họ, nhánh dòng họ của các dân tộc tham dự bàn về giải pháp xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Đồng thời thực hiện ký cam kết gương mẫu trong thực hiện việc xóa bỏ hủ tục đến 100% cán bộ, đảng viên gắn với đó là lên án, phê bình nhắc nhở, xử lý những cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên chưa nêu gương. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; niêm yết công khai tại các hộ gia đình, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, nơi công cộng về các nội dung cần xóa bỏ, nội dung cần xây dựng. Từ đó các hủ tục tang ma tồn tại lâu đời đã được đẩy lùi, cuộc sống của đồng bào Mông ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức (Đồng Văn)
Ý kiến bạn đọc