Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản
BHG - Những năm qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản luôn được ngành chuyên môn và các huyện, thành phố chú trọng triển khai thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm, gia tăng giá trị kinh tế và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Trồng rau an toàn theo hướng VietGAP đem lại thu nhập ổn định cho người dân phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang. |
Để đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, tỉnh tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn và các huyện, thành phố chú trọng xây dựng, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung áp dụng tiêu chuẩn sản xuất ATTP bền vững như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Đồng thời, tăng cường xây dựng các cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu và liên kết với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tại các xã, phường, thị trấn đảm bảo chất lượng ATTP. Đến cuối năm 2022, tổng diện tích cam được cấp Giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP toàn tỉnh là 47 cơ sở/3.516,85 ha. Diện tích chè VietGAP duy trì 3.700,2 ha/5 huyện. Diện tích chè Hữu cơ duy trì 6.698 ha/5 huyện. Sản phẩm mật ong Bạc hà VietGAP duy trì 10.200 đàn.
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản luôn chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; phối hợp với các tổ chức chứng nhận triển khai việc hỗ trợ gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận các tiêu chuẩn/quy chuẩn (VietGAP, Hữu cơ, HACCP) cho các cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, đã hỗ trợ gia hạn cho tổng số 28 cơ sở; hỗ trợ hợp đồng tư vấn tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản cho 5 doanh nghiệp; hỗ trợ hợp đồng tư vấn xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP tiên tiến phù hợp vào sản xuất, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 22000 cho 4 doanh nghiệp. Tham gia 3 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP, kiểm tra 91 cơ sở tại 7 huyện, thành phố, trong đó nhắc nhở 7 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 8 cơ sở.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản trên thị trường, tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP hoặc ký cam kết tuân thủ quy định ATTP; diện tích trồng trọt, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn ATTP tăng bình quân khoảng 10%/năm. Hiện nay tỉnh đang tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, hoàn thiện chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản. Trong đó, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện 2 chuỗi giá trị (1 chuỗi chè Shan tuyết Hà Giang; 1 chuỗi mật ong Bạc hà tại 4 huyện vùng cao nguyên đá). Xây dựng 6 chuỗi giá trị mới (chuỗi cây dược liệu; lúa đặc sản chất lượng cao tại 2 huyện phía Tây; cây Tam giác mạch; bò Vàng; lợn đen tại 4 huyện vùng cao nguyên đá; cây ăn quả ôn đới) với quy mô phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu và tín hiệu thị trường.
Các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng ATTP theo yêu cầu thị trường. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo nguyên tắc “4 đúng”, khuyến khích sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường. Thành lập các tổ, nhóm quản lý sử dụng thuốc BVTV ở cấp thôn, bản để hạn chế tình trạng lạm dụng, sử dụng thuốc BVTV ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.
Cùng với đó, các ngành chuyên môn của tỉnh cũng tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với nhu cầu của thị trường. Cải tạo, thay thế giống cũ năng suất thấp bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao. Tăng cường liên kết vùng để tạo vùng sản xuất hàng hóa phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khoa học quản lý, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng ATTP, truy xuất nguồn gốc.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Bên cạnh việc tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; ngành cũng chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong công tác quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP theo hướng từ tiền kiểm sang hậu kiểm; kiểm soát, ngăn chặn tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi...
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc