Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu: Nên đánh giá lại miễn dịch cộng đồng với Covid-19

18:35, 15/04/2023

Đợt tăng mạnh ca nhiễm Covid-19 những ngày qua có thể sẽ tạo ra một làn sóng dịch mới. Tuy nhiên, hiện năng lực phòng, chống dịch của Việt Nam đã tăng lên, sẽ không tạo ra áp lực lớn lên hệ thống y tế. Việt Nam cần sớm đánh giá lại miễn dịch cộng đồng sau một thời gian dài tiêm vaccine Covid-19.

Chúng ta có thể bước vào làn sóng dịch mới

 

Đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron của SARS-CoV-2 đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế.

Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh. Những nơi có tăng ca nặng là do số mắc tăng tương ứng. Một số khu vực ghi nhận số ca mắc tăng cục bộ, tăng số ca nặng là do số ca mắc tăng tương ứng.

Tại Việt Nam, chỉ trong nửa đầu tháng 4, số ca nhiễm mới được ghi nhận trên hệ thống quản lý Covid-19 tăng đột biến. Theo Bộ Y tế, hiện nay tại nước ta số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc – nơi đang có sự giao mùa. Thống kê hiện nay, số ca mắc mới từ đầu tháng 4 tới nay đã tăng khoảng gần 4 lần so với tuần cuối tháng 3.

Số ca mắc mới tại Ấn Độ tăng mạnh trong tuần qua, nhưng vẫn còn cách xa mức đỉnh dịch.
Số ca mắc mới tại Ấn Độ tăng mạnh trong tuần qua, nhưng vẫn còn cách xa mức đỉnh dịch.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định, dịch Covid-19 đang gia tăng trở lại vì sau một thời gian tiêm vaccine, miễn dịch giảm. Bên cạnh đó, miễn dịch của người đã nhiễm Covid-19 cũng giảm nên đối tượng này tiếp tục có nguy cơ mắc lại.

Trên thế giới cũng có những làn sóng dịch tăng hay giảm. Việt Nam hiện cũng vậy. Việc tăng các ca mắc không phải là điều bất thường và nằm ngoài dự báo.

Lý giải về nguyên nhân tăng đột biến ca nhiễm, ông Phu nhận định, thời gian qua, người dân tăng giao lưu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây Covid-19 lây lan.

Bên cạnh đó, hầu hết hiện nay người dân chủ quan, lơ là không thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh, không sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng, quên các biện pháp vệ sinh khử khuẩn thường xuyên.

Đặc biệt, hiện nay triệu chứng của Covid-19 cũng nhẹ, phần lớn mọi người có triệu chứng cảm cúm, ho, sốt toàn nghĩ mình cảm cúm đơn thuần, tự điều trị, không nghĩ tới test Covid-19 hoặc bỏ qua test Covid-19 vì sợ phiền hà nếu mọi người chung quanh biết mình nhiễm bệnh.

Nhận định về biến chủng phụ của Omicron mới xuất hiện, có thể làm gia tăng ca nhiễm, ông Phu cho hay, biến chủng này cũng không đáng lo ngại lắm. Dù lây lan nhanh nhưng vẫn là biến thể của chủng Omicron, chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng.

Do đó, dù số ca mắc có gia tăng, nhưng để dịch bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay là số ca tử vong tăng như đợt dịch của TP Hồ Chí Minh và miền nam trước đây là không xảy ra.

Những ca mắc đợt này đều có triệu chứng nhẹ. Song những người dễ bị tổn thương như người già, trường hợp có bệnh nền thì khi nhiễm Covid-19 sẽ có triệu chứng nặng lên. Do đó, chúng ta cũng không nên chủ quan.

 

Ngành y tế cũng phải đánh giá lại nguy cơ của Covid-19 xem liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vaccine chúng ta đang sử dụng hay không. Từ đó, sẽ có cảnh báo cho người dân, đưa ra các phản ứng phù hợp để không bị bất ngờ, chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

Theo chuyên gia dịch tễ này, đợt tăng ca nhiễm mạnh này là một làn sóng dịch mới. Tuy nhiên, lợi thế là hiện Việt Nam đã có hiểu biết nhiều về Covid-19, năng lực phòng, chống dịch tăng lên, cách đáp ứng tăng lên và đặc biệt là linh hoạt hơn.

Nên đánh giá lại miễn dịch cộng đồng

Ông Trần Đắc Phu cho rằng, thời điểm này, Việt Nam cần đánh giá lại miễn dịch cộng đồng xem chủng mới có vô hiệu hóa vaccine hay không. Đồng thời, ngành y tế cũng cần đánh giá lại việc tiêm vaccine theo lịch.

PGS, TS Trần Đắc Phu.
PGS, TS Trần Đắc Phu.

 

“Tôi nghĩ là Covid-19 sẽ không mất đi, việc tiêm vaccine là vẫn cần thiết. Quan trọng là xác định chúng ta nên tiêm cho đối tượng nào, theo lịch như thế nào, đặc biệt là nhóm người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch…”, ông Phu bày tỏ.

Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn nên tiếp tục giám sát sự lưu hành của Covid-19 để có đủ điều kiện cũng như là đủ năng lực để ứng phó khi có bất cứ sự thay đổi nào về mô hình dịch cũng như là chủng virus.

Dựa trên nguyên tắc nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, Việt Nam cần phải đánh giá đúng nguy cơ, sẽ đưa ra kịch bản đáp ứng phù hợp không ảnh hưởng kinh tế.

Trước sự gia tăng ca nhiễm trên thế giới, chẳng hạn như Ấn Độ, đặc biệt là sự xuất hiện biến thể XBB.1.16 lây lan nhanh hơn, Việt Nam cần phải nhận thức rõ Covid-19 chưa ổn định như cúm mùa nên chưa công bố chấm dứt tình trạng đáng quan ngại.

Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức quốc tế và nhìn vào tình hình trong nước để tổ chức tốt công tác phòng bệnh. Việt Nam cần thực hiện thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát dịch có hiệu quả, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó.

“Nếu chúng ta đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nếu đánh giá nguy cơ cao quá dẫn tới đáp ứng thái quá thì lại cấm đoán gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân hoặc đầu tư cho chống dịch quá tốn kém trong khi còn rất nhiều các dịch bệnh khác cũng đang phải phòng chống.

Chúng ta không nên quá lo lắng nhưng cũng không chủ quan lơ là. Nên để ý tình trạng của mỗi vùng và thế giới đặc biệt của nước ta. Mỗi nước có quy định tình trạng khẩn cấp khác nhau và việc tuyên bố hết khẩn cấp của nhiều nước không có nghĩa là họ buông xuôi phòng bệnh, coi là bệnh lưu hành...”, ông Phu bày tỏ.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với thách thức của dịch bùng phát. Trong thời gian chống dịch vừa rồi, hệ thống y tế dự phòng có những “tổn thương” nhất định, do đó, cần rút kinh nghiệm để phòng, chống dịch tốt hơn.

Phòng bệnh lây lan trong dịp nghỉ lễ dài ngày

Dịp nghỉ lễ 30/4 tới đây kéo dài 5 ngày, sẽ là cơ hội để người dân đi lại, giao lưu, du lịch, tụ tập đông người hoặc cả nước sẽ có nhiều sự kiện lớn như các lễ hội du lịch... Điều này sẽ tạo nguy cơ cao cho dịch lây lan, làm gia tăng ca nhiễm.

Do đó, các địa phương cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao.

Tăng cường tiêm vaccine Covid-19 cho đối tượng dễ bị tổn thương.
Tăng cường tiêm vaccine Covid-19 cho đối tượng dễ bị tổn thương.

Ông Phu cho rằng, Việt Nam đã có những biện pháp nới lỏng nhưng vẫn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đặc biệt bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương. Do đó, Việt Nam cố gắng kiểm soát không để dịch bùng phát mạnh, đặc biệt không được để gây quá tải hệ thống y tế.

Để dự phòng cá nhân cho mình trước việc tăng số ca nhiễm mới, chuyên gia này khuyến cáo mọi người cần thực hiện tốt như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ, rửa tay khử khuẩn…

“Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng nhất là đối tượng dễ bị tổn thương. Ai có triệu chứng thì phải xét nghiệm có phải Covid-19 hay không. Người dân cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế. Đặc biệt, chúng ta cần thực hiện phòng bệnh tốt khi đi lại trong những ngày nghỉ 30/4 và 1/5 tới đây”, ông Phu khuyến cáo.

Theo nhandan.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Điện lực Hà Giang diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
BHG - Trong 2 ngày 14 - 15.4, Công ty Điện lực Hà Giang (PC Hà Giang) tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn(PCTT&TKCN); diễn tập sự cố; diễn tập an toàn năm 2023 (ba trong một) cấp công ty. Tham gia diễn tập có các thành viên trong Ban Chỉ huy Diễn tập và các đơn vị trực thuộc công ty.
15/04/2023
Người có uy tín chung tay đẩy lùi hủ tục
BHG - Trong những năm qua, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua vai trò, tiếng nói của người có uy tín, một số hủ tục trong vùng đồng đồng bào DTTS được bài trừ, tư duy của người dân đã đổi thay.
14/04/2023
Bộ Y tế ra công văn khẩn về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 12/4, Bộ Y tế đã có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


13/04/2023
Đại hội Công đoàn cơ sở Cục Hải quan lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028
BHG - Sáng 13.4, Công đoàn cơ sở Cục Hải quan tổ chức Đại hội lần thứ XII, nhằm tổng kết hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2017 - 2022 và phương hướng nhiệm kỳ 2023 - 2028. Tham dự có lãnh đạo Công đoàn viên chức tỉnh và cán bộ, công chức, người lao động thuộc Cục Hải quan tỉnh.
13/04/2023