Đẩy lùi lạc hậu, hướng đến văn minh - Kỳ đầu: Cuộc vận động xã hội rộng khắp
BHG - Giai đoạn 2021 – 2022, các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang ra đời. Quyết sách đi vào cuộc sống, ý Đảng – lòng dân quyện hòa đã tạo nên cuộc “cách mạng” gạn đục khơi trong, làm chan hòa ánh sáng văn minh trong đồng bào các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc.
Thành viên đoàn công tác 575 của BTV Tỉnh ủy phụ trách, theo dõi huyện Xín Mần và lãnh đạo xã Nàn Ma “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh. |
Ngày 10.5.2021, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 09 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Một năm sau, ngày 1.5.2022, Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 – 2025 ra đời. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên cả hai mặt “xây” và “chống” trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, tạo nên cuộc vận động xã hội rộng khắp, tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới, hội tụ 19 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 87,7% cơ cấu dân số toàn tỉnh, tạo nên bức tranh Hà Giang đa sắc màu văn hóa. Tuy nhiên, với các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa bàn cư trú, phong tục, tập quán, trình độ dân trí nên trong đời sống nhân dân, nhất là đồng bào DTTS còn không ít hủ tục, phong tục, tập quán không phù hợp với cuộc sống hiện nay; thậm chí trở thành “gánh nặng” truyền đời đối với các cộng đồng người và là rào cản của sự tiến bộ xã hội. Qua nghiên cứu thực tiễn của các cấp, ngành chỉ rõ: Sự tồn tại của hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng trực tiếp đến thể trạng, sức khỏe của con người, gây lãng phí, mất vệ sinh môi trường, lây nhiễm dịch bệnh như: Không đưa người chết vào áo quan, giết mổ nhiều gia súc, tổ chức đám tang dài ngày; còn xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thêm vào đó, phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS có nơi bị lợi dụng, biến tướng gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội, ví như tục “kéo vợ” của người Mông. Tục này vốn có ý nghĩa nhân văn thể hiện sự tự do hôn nhân, đề cao giá trị người phụ nữ; song, nam thanh niên “kéo vợ” bằng hình thức cưỡng ép khiến thiếu nữ bị kéo về làm vợ khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, thậm chí không thích nam thanh niên. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tảo hôn, hôn nhân không hạnh phúc... Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh với công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc chưa được giải quyết hài hòa. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số DTTS có nguy cơ mai một...
Tuổi trẻ dân tộc Tày xã Quang Minh (Bắc Quang) tích cực học và biểu diễn các tiết mục hát Then, đàn Tính độc đáo của dân tộc. |
Trước thực tế trên, Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh ra đời với quan điểm xuyên suốt: Xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh thực hiện song hành với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh; trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc tuân thủ đúng chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhằm đưa chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt, từ việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc đến ký cam kết xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Điển hình như huyện Bắc Quang, 100% cán bộ, đảng viên và 98% số hộ dân tại 23/23 xã, thị trấn ký cam kết xây dựng nếp sống văn minh (số hộ dân còn lại chưa ký cam kết do đi làm ăn xa). Qua đó, góp phần làm chuyển biến cơ bản nhận thức của nhân dân, tạo hành động thiết thực trong công cuộc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với đơn vị liên quan mở 2 lớp tập huấn tại xã Pả Vi (Mèo Vạc), Phiêng Luông (Bắc Mê). Trên cơ sở đó, bồi dưỡng đội ngũ già làng, trưởng họ, thầy cúng, thầy khèn, thầy trống trở thành những tuyên truyền viên, trực tiếp xóa bỏ hủ tục trong tổ chức đám tang, lễ “ma khô” của đồng bào Mông. Riêng Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu thành công 2 đề tài khoa học: “Thực trạng và giải pháp bài trừ một số tập tục lạc hậu trong đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang”; “Ảnh hưởng của luật tục đến bình đẳng giới ở vùng DTTS của tỉnh – Thực trạng và giải pháp”. Kết quả nghiên cứu khoa học này là cơ sở để các cấp, ngành quản lý, tuyên truyền, ứng dụng vào phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, AN-QP của địa phương. Đến nay, đã xây dựng được 2 mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế, hạn chế hủ tục trong đồng bào DTTS tại xã Lũng Pù (Mèo Vạc) và Hồ Thầu (Hoàng Su Phì). Đồng thời, xây dựng mô hình thông tin, truyền thông về phát huy vai trò của luật tục đối với việc thực hiện bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS...
Để Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 thực sự đi vào cuộc sống, tỉnh ta đặc biệt quan tâm phát huy vai trò nêu gương, tiên phong đi đầu xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh của đội ngũ cán bộ, đảng viên để quần chúng làm theo. Đồng thời, nghiêm khắc phê bình và kiên quyết xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Theo đó, đa phần đội ngũ cán bộ, đảng viên tự giác, gương mẫu đi đầu trong xây dựng nếp sống văn minh. Tuy nhiên, vẫn xảy ra trường hợp cá biệt, 2 đảng viên là cán bộ lãnh đạo xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) phải thi hành kỷ luật do vi phạm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình, do có con tảo hôn...
Với sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 như ánh ban mai soi rọi đến mọi địa bàn, những góc khuất trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Từ đó, đẩy lùi hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, tạo nền tảng vững chắc xây dựng con người mới, nếp sống mới văn minh, vì Hà Giang phát triển vững mạnh nơi biên thùy.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc