Xu hướng sắm Tết của người dân
BHG - Tết Nguyên đán năm 2023 đang đến rất gần, người dân dần gác lại công việc để chuẩn bị đón Tết. Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đã làm thay đổi xu hướng sắm Tết của người dân.
Các cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Giang đã sẵn sàng phục vụ người dân sắm Tết. |
Nắm được xu hướng và tâm lý sắm Tết của người dân, nhiều cửa hàng tạp hóa đã đưa hàng lên kệ từ sớm và tính toán để hợp túi tiền của số đông; đồng thời lựa chọn các sản phẩm là mặt hàng thiết yếu. Chị Đoàn Thị Hải Hà, chủ Siêu thị Thao Hà, Tân Quang, huyện Bắc Quang chia sẻ: “Cửa hàng là địa điểm mua sắm của đa số người dân trên địa bàn, bởi vậy trước Tết 2 tháng chúng tôi đã lên kế hoạch cho việc nhập hàng. Nhằm phục vụ nhu cầu, cũng như thị hiếu của khách hàng chúng tôi đã lựa chọn nhập những mặt hàng thiết yếu; đồng thời ưu tiên những sản phẩm uy tín, mẫu mã đẹp, tiến hành mở rộng cửa hàng nhằm tạo không gian mua sắm cho người dân…”.
Ước tính, lượng hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán tăng 40-50% so với lượng bán bình quân trong năm. Anh Nguyễn Văn Đoàn, Cửa hàng trưởng Winmart phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, chia sẻ: “Chúng tôi tập trung vào các nhóm hàng thiết yếu, chốt sản lượng cho tất cả các mặt hàng chủ lực để có giá ổn định ngay cao điểm Tết. Ngoài ra, để phù hợp với tài chính của khách hàng, ngay trong dịp Tết hệ thống cũng tổ chức các chương trình khuyến mãi lớn, tăng giá trị giỏ hàng bằng các quà tặng hấp dẫn…”.
Được xem là kỳ nghỉ dài trong năm, dịp Tết Nguyên đán nhiều người đã lựa chọn cho gia đình những chuyến du lịch. Bạn Nguyễn Hồng Thái, tổ 4, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang chia sẻ: “Để có thể đi du lịch ngày Tết, chúng tôi đã chuẩn bị trước vài tháng, bao gồm việc xin visa, chuẩn bị đồ đạc và thông báo trước tới người thân. Theo dự kiến chuyến du lịch của chúng tôi sẽ bắt đầu từ mùng 3.1 Âm lịch, để thu xếp hợp lý, vợ chồng tôi lựa chọn chia đôi kỳ nghỉ với dành thời gian cho việc dọn dẹp nhà cửa, mua sắm trang trí nhà, Tết nội, ngoại và họ hàng thân thích và thực hiện chuyến du lịch của mình. Từ việc sắp xếp đó tôi thấy bản thân ngoài việc đảm bảo tốt cho các lễ nghi, gia đình trong Tết cổ truyền của dân tộc; đồng thời thỏa mãn sở thích cá nhân. Ngày Tết vì vậy mà cũng trở nên ý nghĩa, thú vị hơn”.
Lựa chọn sắm Tết từ sớm, bác Nguyễn Thị Thanh Hiền, tổ 5, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang chia sẻ: “Những năm gần đây Tết đối với gia đình tôi trở nên nhẹ nhàng hơn, chúng tôi lựa chọn việc mua sắm xoay quanh những vật dụng cần thiết như: Hoa đào, cây quất; chút bánh kẹo; đồ ăn đủ cho 3 ngày Tết…”.
Tết Nguyên đán là một nét đẹp văn hoá, bởi vậy dù kinh tế có phát triển thì “gốc” của dân tộc vẫn được người dân lưu giữ. Thay vì tổ chức mua sắm linh đình, lãng phí; trong những năm gần đây người dân lại chọn việc sẻ chia với nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng, như: Các tổ dân phố tổ chức gói bánh chưng tặng cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn; vận động quyên góp các nhà hảo tâm, người dân tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo…
Trên khắp góc phố, không khí Tết đã gập tràn, mỗi người dân đã chuẩn bị sẵn cho bản thân và gia đình những kế hoạch trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Đồng thời, Tết cũng là dịp nghỉ ngơi để người dân lấy lại năng lượng nhằm cống hiến và gặt hái thành công trong năm mới.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc