Mang sức sống mới đến với vùng đồng bào dân tộc Mông
BHG - Hoàng Su Phì có 12 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 13% dân số toàn huyện. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm, triển khai hiệu quả Đề án số 09-ĐA/TU của BTV Tỉnh ủy về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp đồng bào dân tộc Mông phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, đẩy lùi, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Phụ nữ dân tộc Mông gìn giữ nghề thêu hoa văn truyền thống. |
Có mặt tại Lễ hội Gầu Tào diễn ra trong khuôn khổ Tuần văn hóa du lịch Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì năm 2022, chúng tôi được chứng kiến các tiết mục văn nghệ truyền thống hấp dẫn của dân tộc Mông. Gầu Tào là lễ hội độc đáo có từ lâu đời, thường được tổ chức để cầu phúc cho cả bản, làng; mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau khi các nghệ nhân kết thúc phần nghi lễ, người già, trẻ nhỏ, nam thanh, nữ tú cùng bước vào phần hội trong không khí vui tươi, rộn ràng. Với các tiết mục đặc sắc như: Múa gậy Sinh tiền, hát ống, hát đối đáp giao duyên, thổi khèn lá, sáo Mông, múa khèn… cùng sự tham gia của hơn 200 nam, nữ diễn viên đến từ 12 xã có đồng bào Mông sinh sống trên địa bàn huyện.
Anh Giàng Pao Lìn, xã Tả Sử Choóng cho biết: Trước đây Lễ hội Gầu Tào thường tổ chức vào mùa Xuân, vài năm gần đây Lễ hội được tổ chức với quy mô cấp huyện vào mỗi dịp diễn ra Tuần văn hóa du lịch, nhờ đó thu hút được đông đảo người dân và du khách tham gia. Các nghi thức trong Lễ hội cũng được phục dựng, nhiều tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống và các trò chơi dân gian của dân tộc Mông cũng được tổ chức, biểu diễn. Qua đó, giúp thế hệ trẻ thêm yêu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó có ý thức chung tay gìn giữ và phát huy.
Người dân xã Thèn Chu Phìn đan quẩy tấu. |
Năm 2022, ngoài tổ chức thành công Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, huyện Hoàng Su Phì còn phối hợp tổ chức lớp truyền dạy văn hóa, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống dân tộc Mông cho gần 100 nghệ nhân. Đồng thời, triển khai các hạng mục đầu tư, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông tại thôn Hóa Chéo Phìn, xã Tả Sử Choóng với tổng kinh phí 425 triệu đồng. Trong đó gồm hỗ trợ thành lập đội văn nghệ truyền thống; trang bị các vật dụng cho hội trường thôn; đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu tại thôn.
Các xã, thị trấn có đồng bào Mông sinh sống cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân duy trì các đội văn nghệ dân gian tại các thôn, bản, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian gắn liền với các sự kiện chính trị của đất nước, địa phương.
Cùng với đó, huyện cũng tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào Mông giữ gìn, khôi phục, phát triển các nghề truyền thống. Các nghề như: Đan quẩy tấu, thêu dệt trang phục dân tộc, chế tác khèn Mông... dần được người dân tích cực phát triển. Điển hình như nghề đan quẩy tấu ở xã Thèn Chu Phìn. Hiện nay, nhiều hộ ở 4 thôn của xã đều tham gia sản xuất, sản lượng hàng năm đạt trên 10.000 sản phẩm. Lao động có tay nghề cao, một ngày có thể đan từ 2 - 3 chiếc quẩy tấu, bình quân mỗi chiếc có giá bán từ 100 – 120 nghìn đồng.
Bên cạnh việc tuyên truyền nhân dân gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: Trang phục, kiến trúc nhà ở, tín ngưỡng, lễ hội… cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở còn chỉ đạo các ngành, đoàn thể tập trung vận động đồng bào Mông xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang như thách cưới cao, mổ nhiều gia súc, uống nhiều rượu, tổ chức ăn uống dài ngày… Nhờ vậy, các đám cưới, đám tang của đồng bào Mông đã được đơn giản hóa; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng giảm đáng kể.
Đồng chí Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Với việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa, thời gian gần đây, đời sống của đồng bào Mông trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Bà con luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, gìn giữ bản sắc văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên của huyện.
Bài, ảnh: Nguyễn Phương
Ý kiến bạn đọc