Đón làn gió văn minh
- Bên cạnh sự đa dạng, phong phú trong kho tàng văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh thì trong việc cưới, việc tang, lễ hội hay đời sống sinh hoạt hàng ngày vẫn còn tồn tại một số hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu để lại nhiều hệ lụy cần xóa bỏ, giảm bớt để xây dựng đời sống văn minh, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Người dân thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) ký cam kết gương mẫu xóa bỏ hủ tục |
Thực hiện Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn, các địa phương đã chủ động vào cuộc quyết liệt, linh hoạt; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn như: Tổ chức hội thảo, hội nghị, hội thi; phát huy vai trò người có uy tín, Hội Nghệ nhân dân gian; bổ sung vào quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố; tổ chức cho người dân ký cam kết gương mẫu thực hiện; thành lập các tổ vận động ở thôn, tổ dân phố; hội nghị mạn đàm với người có uy tín; tuyên tuyền tại chợ phiên, tuyên truyền bằng xe chuyên dụng, trong các trường học thông qua các hoạt động ngoại khóa; lồng ghép tại các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, sinh hoạt cộng đồng; tuyên truyền trực quan bằng băng zôn, khẩu hiệu, hệ thống loa truyền thanh, trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội; tổ chức khảo sát, thống kê các phong tục, tập quán trong từng xã, từng dân tộc để nhận diện những hủ tục cần xóa bỏ, những nét đẹp văn hóa cần bảo tồn, phát huy. Trong năm, toàn tỉnh đã tổ chức trên 1.140 hội nghị, hội thảo bàn giải pháp xóa bỏ hủ tục; tổ chức 3.741 buổi tuyên truyền, thu hút trên 291.510 người tham gia. Qua đó, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân được nâng cao.
Phát biểu tại hội thảo xóa bỏ hủ tục trên địa bàn thành phố Hà Giang mới đây, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Đức Thanh nhấn mạnh: “Trong đồng bào dân tộc thiểu số còn một số hủ tục cần phải được xóa bỏ, giảm bớt, đặc biệt là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để chung tay xóa bỏ hủ tục, xây dựng cuộc sống mới văn minh hơn”.
Đoàn viên, thanh niên xã Phong Quang (Vị Xuyên) tuyên truyền, vận động nhân dân không cho con tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Giang Nguyễn Ánh Tuyến chia sẻ: “Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố phát huy vai trò “cầu nối“ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, trong đó có 5 không trong việc cưới, 4 không trong văn minh đô thị và 3 không trong đám tang”.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, nhiều hủ tục đã được xóa bỏ, giảm bớt như: Trong việc cưới, với tinh thần vui tươi, tiết kiệm, các nghi lễ có tính phong tục tập quán như: Dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, lại mặt, đăng ký kết hôn được đơn giản hóa, gọn nhẹ, không phô trương hình thức, không rườm rà, không thách cưới, phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Trong năm đã vận động hoãn hôn được trên 250 cặp chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định.
Trong việc tang, tổ chức đơn giản, tiết kiệm, không kéo dài ngày quá 48 giờ, không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc, dòng họ và hoàn cảnh của gia đình. Các bài cúng của thầy mo, thầy tạo được cắt ngắn, những yếu tố mê tín được lược bỏ; đưa thi hài người chết vào áo quan.
Các lễ hội được tổ chức đảm bảo trang trọng, đúng nghi thức dân gian truyền thống, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được phục dựng tại lễ hội nhằm thu hút người dân và du khách tham gia như: Bắn nỏ, đánh yến, tung còn, leo dây, đi cà kheo. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa thống được quan tâm, thực hiện. Hoạt động tại các đền, chùa, miếu, nhà thờ và các điểm sinh hoạt tín ngưỡng trên địa bàn từng bước đi vào nền nếp. Quy mô phần hội được mở rộng, đa dạng hóa về hình thức, đổi mới về nội dung, vừa phát huy được lễ hội truyền thống, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân.
Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo trong xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh được các địa phương nhân rộng, tiêu biểu như: Huyện đoàn Đồng Văn tổ chức đăng ký kết hôn tập thể cho các cặp đôi khi đủ tuổi; thành lập các Câu lạc bộ sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn, “Gia đình hạnh phúc”; Hội Phụ nữ các cấp phát huy hiệu quả mô hình “phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; thành phố Hà giang tổ chức Hội thi tuyên truyền “Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”; huyện Bắc Mê xây dựng mô hình cưới tiết kiệm, gia đình trẻ và thanh niên với việc cưới theo nếp sống mới; huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân không dự lễ cưới đối với các đôi tảo hôn. Huyện Mèo Vạc vận động các dòng họ đưa nội dung xóa bỏ hủ tục vào quy chế của dòng họ; xây dựng mô hình dòng họ tự quản về an ninh, trật tự gắn với bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh; huyện Quản Bạ thành lập Ban tang lễ tại các thôn, tổ dân phố, có 13 dòng họ đưa thi hài người chết vào áo quan. Bên cạnh đó, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo, thay đổi các tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập.
Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh đang thổi làn gió Xuân, giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh “gạn đục, khơi trong“, xây dựng cuộc sống mới văn minh, giàu mạnh.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc