Xây dựng xã hội học tập nơi cực Bắc
BHG - Thấm nhuần lời Bác dặn về khuyến học, khuyến tài, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh triển khai nhiều cách làm cụ thể, hiệu quả để xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; giúp cho tỉnh ta vươn mình với nhiều khởi sắc trong phát triển KT – XH, giữ vững QP – AN nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Trà (Mèo Vạc). |
Trải qua gần 62 năm kể từ khi Bác Hồ lên thăm Hà Giang, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Đội ngũ giáo viên, học sinh, học viên phát triển vượt bậc; hệ thống trường học chặt chẽ từ mầm non đến cao đẳng. Chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao, chất lượng giáo dục nghề nghiệp ngày càng chú trọng; mạng lưới các cơ sở GD&ĐT ngày càng phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 821 cơ sở giáo dục; trường chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ cao; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú bảo đảm công tác nuôi dạy học sinh. Toàn tỉnh có trên 10.500 phòng học, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 61,03%. Công tác xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp GD&ĐT được thực hiện hiệu quả; mỗi năm huy động vài chục tỷ đồng phục vụ công tác giáo dục. Cơ sở vật chất các trường, lớp học tạo điều kiện thuận lợi để huy động học sinh các lứa tuổi, các bậc học đi học ngày càng tăng, đảm bảo ngay từ gốc cho việc nâng cao dân trí.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thế Bình cho biết: Những kết quả đạt được khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện hiệu quả lời căn dặn của Bác và thực sự coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Để tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, những năm qua, tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học các môn văn hóa, giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường. Khuyến khích và phát động thường xuyên phong trào thi đua lao động sáng tạo, đưa khoa học và kỹ thuật vào phục vụ học tập, sản xuất, đời sống. Có hàng trăm đề tài, giải pháp khoa học, kỹ thuật được trao giải thưởng cấp tỉnh; nhiều đề tài, giải pháp được nhận giải cấp toàn quốc và được áp dụng vào cuộc sống.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, tỉnh ta làm tốt việc giáo dục không chính quy, xóa mù chữ, xóa mù nghề cho dân. Hiện, số người trong độ tuổi 15 - 35 biết chữ đạt 97,87%; số người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ đạt 94,42% dân số toàn tỉnh. Số cán bộ, công chức, viên chức tham gia chương trình học tập nâng cao trình độ công nghệ thông tin đáp ứng vị trí việc làm đạt 100%; ngoại ngữ bậc 2 đạt 45,19%; số lao động nông thôn tham gia học tập tại các Trung tâm học tập cộng đồng đạt 50,1%, được đào tạo nghề 44%. Để đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập; khuyến khích, động viên, hỗ trợ, khen thưởng kịp thời những tấm gương vượt khó, học tập, công tác, lao động tốt, đầu tháng 7.2020, tỉnh đã công bố thành lập và ra mắt Quỹ Khuyến học - Khuyến tài tỉnh. Đây là bước ngoặt, có tác dụng kích thích trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của tỉnh.
Xác định việc dạy nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định là việc quan trọng giúp người dân yên tâm đi học, tự biết vượt lên hoàn cảnh, tỉnh ta có nhiều quyết sách giúp người dân vượt qua nghèo khó, vươn lên làm ăn khá giả. Hàng năm, tổ chức dạy nghề cho hàng chục nghìn lao động nông thôn; giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Thành lập, nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã giúp người dân được học tập; tiếp cận với chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; khoa học, kỹ thuật. Bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,27%; riêng các huyện 30a, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 6,1%. Có hàng nghìn hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở; riêng chương trình 1953 của Tỉnh ủy hỗ trợ xây nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở được 6.700 hộ…
Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn; nhận thức của người dân về việc học, cần học chưa thực sự sâu sắc; chất lượng dạy và học, nhất là các điều kiện để thực hành, giải quyết việc làm sau khi học còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh còn thiếu và yếu, nhưng các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đang đặt quyết tâm tạo bứt phá về tư duy trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Quan tâm đầu tư kinh phí củng cố, xây dựng Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang; thành lập phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang. Trọng dụng nhân tài; quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Khuyến học - Khuyến tài của tỉnh; vận động các tổ chức, cơ quan, hộ dân, dòng họ, cộng đồng xây dựng Quỹ khuyến học và sử dụng hiệu quả.
Xây dựng xã hội học tập nhằm làm tốt việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh theo lời căn dặn của Bác đang góp phần giúp tỉnh ta thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng. Với sự lãnh, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, tin rằng sự nghiệp khuyến học, khuyến tài sẽ tạo đà cho mảnh đất biên cương ngày một phát triển.
Bài, ảnh: Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc