Người Mông thôn Khai Hoang 2 xóa bỏ hủ tục
BHG - Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh đã được thôn Khai Hoang 2, xã Xín Cái (Mèo Vạc) triển khai vào thực tiễn, giúp đồng bào vùng biên nâng cao nhận biết, loại bỏ những tập tục không phù hợp với đời sống. Người dân chú tâm vào phát triển kinh tế hộ, nâng cao cuộc sống và gắng sức bảo vệ đường biên, mốc giới của Tổ quốc.
Trưởng thôn Khai Hoang Ly Xìa Sính (ngoài cùng bên trái) tuyên truyền người dân xóa bỏ hủ tục. |
Thôn Khai Hoang 2 trước nay vẫn được biết là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng biên Xín Cái, với gần 100% là người Mông và còn nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu ăn sâu vào gốc rễ trong đời sống thường ngày. Chị Sùng Thị Lía, thôn Khai Hoang 2 thổ lộ: Trước đây tang ma, người chết không đưa vào áo quan, giết mổ nhiều gia súc, nghi lễ cúng bái rườm rà, từ năm đến bảy ngày, gây lãng phí tiền bạc, mất vệ sinh môi trường khu dân cư. Trong việc cưới vẫn xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, gây ra hệ lụy khôn lường: Trẻ em sinh ra mắc nhiều bệnh lý, sức khỏe yếu kém, thấp còi, sa sút về trí tuệ. Đồng thời, tục kéo vợ của người Mông bị giới trẻ biến tướng thành tục cướp vợ gây phản cảm, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục. Bên cạnh đó, người dân trong thôn vẫn giữ thói quen nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mọi người trong gia đình. Nhưng từ khi người dân được nghe tuyên truyền Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh thì người Mông đã đổi thay trong cách sống, xóa bỏ những hủ tục không phù hợp với cuộc sống và tích cực xây nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại ra xa nhà; dọn dẹp vệ sinh đường thôn, bảo vệ môi trường sinh thái…
Trưởng thôn Ly Xìa Sính (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn các kỹ thuật chăn nuôi bò, giúp nâng cao thu nhập. |
Anh Thò A Pó, thôn Khai Hoang 2 tâm sự: Tôi cũng như nhiều người khác trong thôn được người có uy tín, các tổ chức hội, đoàn thể, trưởng thôn tuyên truyền về những tác hại khôn lường của những hủ tục, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh, nên đã hiểu ra và quyết tâm xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong khu dân cư; đồng thời, giữ gìn những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và chuyên tâm vào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Ông Ly Xìa Sính, Trưởng thôn Khai Hoang 2 cho biết: Thôn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Đưa nếp sống văn minh vào quy ước của thôn; đồng thời, đẩy mạnh phong trào xây dựng thôn văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hủ tục được xóa bỏ, kinh tế hộ ngày càng phát triển, đời sống đồng bào được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được nâng cấp đầu tư đồng bộ, đồng bào được tiếp cận thông tin, khám, chữa bệnh, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, nhân dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi và chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, giúp người Mông có được thu nhập ổn định, công việc vững bền và cuộc sống no ấm ngay trên quê hương.
Sự tích cực trong công tác vận động, tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trên địa bàn thôn Khai Hoang 2 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người Mông đã biết chỉnh trang nhà cửa sạch đẹp, tăng gia sản xuất nuôi bò sinh sản, vỗ béo, lợn đen, gà đen thương phẩm… Người dân biên giới ngày càng thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức trong cách sống, cách sinh hoạt và ngày càng quan tâm nhiều đến sức khỏe của chính mình, người thân và mọi người xung quanh, gắng sức bảo vệ môi trường trường sinh thái khu dân cư...
Bài, ảnh: THÁI KHANG
Ý kiến bạn đọc