Đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho các hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số
BHG - Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh chiếm 49,95%. Để đảm bảo công tác an sinh xã hội cho các hộ nghèo, nhiều chính sách được triển khai để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân và tạo cơ hội cho các hộ vươn lên thoát nghèo.
Hộ nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ. |
Theo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện nay chiếm 49,95%. Trong đó, số hộ nghèo trên 70.300 hộ, chiếm tỷ lệ 37,08%; hộ cận nghèo hơn 24.400 hộ, chiếm 12,87%; hộ không nghèo 94.800 hộ, chiếm 50,04%. Quan tâm hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ nghèo, ngành chức năng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về kết nối thị trường, cung cầu lao động, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các chủ trương, chính sách về việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Cụ thể, tổ chức 375 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, định hướng nghề nghiệp cho 26.800 người. Thực hiện hỗ trợ người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài và làm việc ngoài tỉnh với kinh phí trên 742 triệu đồng. Giai đoạn năm 2021-2022, giải quyết việc làm cho 51.600 lao động; trong đó làm việc tại địa phương 13.800 người, đi làm việc ngoài tỉnh 37.500 người và xuất khẩu lao động 246 người.
Về đảm bảo hưởng thụ các dịch vụ y tế, hàng năm, tỉnh đều duy trì và cấp mới thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho 750 nghìn đối tượng, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 96,36%. Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo các nghị định của Chính phủ cho trên 280 nghìn lượt học sinh; hỗ trợ tiền ăn trưa cho 44.200 trẻ mẫu giáo; trợ cấp tiền ăn, tiền trọ cho 63.300 học sinh bán trú và hỗ trợ gạo cho 63.800 học sinh. Hỗ trợ 38.100 lượt học sinh bán trú hưởng trợ cấp theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 15.000 lượt người, tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2022 ước đạt 56,6%.
Thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở từ kinh phí xã hội hóa (hỗ trợ bình quân 60 triệu đồng/hộ), đến nay, triển khai hỗ trợ được trên 6.700 nhà với tổng kinh phí hỗ trợ trên 395 tỷ đồng và trên 341 nghìn ngày công. Chương trình Nông thôn mới, vận động và hỗ trợ các hộ xây dựng 3.100 công trình nhà tắm, 3.400 nhà tiêu hợp vệ sinh; cứng hóa, di dời 1.400 chuồng trại; xây dựng 1.600 bể trữ nước sinh hoạt để đạt chuẩn Nông thôn mới.
Để đảm bảo về mức độ tiếp cận thông tin cho các hộ nghèo, hàng năm, tỉnh cấp phát 522 nghìn tờ Báo Hà Giang và Báo Dân tộc phát triển cho 1.900 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; 516.600 tờ ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn nhằm cung cấp thông tin, phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho vùng đồng bào DTTS.
Thực hiện trợ giúp xã hội người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong năm 2021-2022, tỉnh trợ giúp đột xuất thiên tai, hoả hoạn cho 99 hộ. Cấp phát gạo Chính phủ hỗ trợ cứu đói trên 600 nghìn kg cho 9.500 hộ nghèo. Tiếp nhận và phân bổ 797 nghìn kg gạo cứu đói trong thời gian giáp hạt năm 2021-2022 từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ cho 11.900 hộ. Tổ chức thăm và tặng quà Tết Nguyên đán cho trên 237 nghìn lượt đối tượng người có công, hộ nghèo và đối tượng bảo trợ với trị giá trên 105 tỷ đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động được trên 7,6 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 12.200 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện các nghị định số của Chính phủ và nghị quyết của HĐND tỉnh, tỉnh đã thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho 55.500 người; tiếp nhận và thực hiện nuôi dưỡng 146 người (người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật đặc biệt nặng) tại 2 cơ sở trợ giúp xã hội công lập, 6 người bảo trợ xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập Dương Hiển.
Qua đó, hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo đã tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo điều kiện cho các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: VIỆT TÚ
Ý kiến bạn đọc