Thầy dạy tâm huyết thì trò nhớ mãi
BHG - Những ai đã trải qua một thời học sinh đều có những kỷ niệm về tình thầy, trò. Trong đó có những kỷ niệm đã trở thành ký ức và thường được nhắc lại vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 hàng năm, hay mỗi khi có dịp bạn bè cùng khóa, cùng lớp hội tụ gặp mặt… Người càng học lên cao, càng có nhiều thầy, cô giáo trực tiếp dạy mình, mỗi người không thể nào nhớ hết đã được học với bao nhiêu thầy, cô. Nhưng với những thầy, cô đã từng dạy mình một cách tâm huyết thì nhiều học sinh không chỉ nhớ họ, tên mà nhớ cả những cử chỉ, lời răn dạy mình suốt cả cuộc đời.
Vừa qua, những cựu học sinh cấp II tại xã Phú Linh (Vị Xuyên) từ năm 1970 – 1975 nay đã nghỉ hưu hay làm ăn trên địa bàn tỉnh tổ chức cuộc giao lưu gặp mặt “Những người con hướng về quê hương”. Trong buổi gặp mặt, mỗi người nhớ lại và kể về một kỷ niệm làm cho quá khứ như sống lại. Tôi là một trong những học sinh tốt nghiệp cấp II (hệ 10 năm) vào năm 1972, lúc đó cả xã mới có 1 lớp 7 với 14 học sinh, trong đó có 7 nam và 7 nữ đều tốt nghiệp ra trường 100%. Sau khi ra trường, 1 người đi bộ đội và 8 người đi học các trường chuyên nghiệp và thoát ly làm cán bộ Nhà nước, còn lại là ở quê lao động sản xuất. Dù hoàn cảnh và địa bàn sinh sống mỗi người khác nhau, nhưng khi nói đến chuyện các thầy dạy lớp 7 hồi đó thì ai cũng nhớ đến thầy Đinh Văn Đức, dạy môn Văn, hôm thầy dạy bài Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thầy đọc diễn cảm như một vị tướng đọc lời Hịch trước các tướng sĩ ba quân; sau đó thầy chỉ cho học trò biết cách đọc chuyện, đọc văn bản Nhà nước, đọc thơ… mỗi loại văn bản phải có giọng đọc khác nhau, ai chịu khó học tốt môn Văn thì sẽ có được tâm hồn trong sáng hơn… còn thầy Phan Quý Đính dạy môn Hình học, thầy bảo ai học tốt môn Hình học thì mới biết tính diện tích mặt phẳng, thể tích hình khối… sau này đi dân công làm đường mới biết tính khối lượng, kiến thức Hình học sẽ giúp cho mỗi người làm phong phú hơn về trí tưởng tượng của mình một cách có cơ sở khoa học… Rồi sau này được học các môn khác ở các lớp cao hơn, trong đó có môn về kiến thức cơ bản hay kiến thức bổ trợ thì các thầy dạy môn đó cũng động viên học sinh không nên coi nhẹ môn nào. Vì mục tiêu của nền giáo dục Việt Nam là đào tạo con người theo hướng phát triển toàn diện, nên ngoài giờ học trên lớp cần phải tham khảo thêm sách có liên quan ở thư viện nhà trường và cần phải đọc nhiều và học thêm kinh nghiệm của ông bà, cha mẹ, những người đi trước và bạn bè… Khi đọc sách tham khảo, nếu thấy cần phải ghi lại câu nào hay đoạn văn nào để sau này sử dụng thì phải biết cách ghi trích dẫn và khi sử dụng phải biết cách ghi chú theo quy định…
Thế mới biết ngoài thầy giáo dạy trên lớp còn có biết bao những thầy khác. Đối với Tôi, những người có tâm huyết góp ý hay chỉnh sửa lỗi cho tôi dù một câu hay một chữ trong những bài viết, báo cáo… cho đúng chuẩn mực thì tôi đều coi những người đó là thầy và cảm thấy mình có được những thành công và tránh được những vấp váp trong cuộc sống là nhờ có sự giúp đỡ tận tình và tâm huyết của những người thầy đó.
Đinh Minh Tung (Phú Linh - Vị Xuyên)
Ý kiến bạn đọc