Hiệu quả Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”
BHG - “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là chương trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai, hướng tới ưu tiên, quan tâm tới phụ nữ, trẻ em yếu thế vùng biên giới. Tại huyện Yên Minh, chương trình nhân văn này đã và đang tạo ra những đổi thay tích cực, tiếp sức cho chị em vươn lên, cải thiện sinh kế, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương.
Hội viên, phụ nữ nghèo xã Na Khê (Yên Minh) được hỗ trợ bò theo Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. |
Được sự giới thiệu của Chủ tịch Hội LHPN xã Thắng Mố, chúng tôi gặp gỡ chị Hầu Thị Vá, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Khán Trồ. Gia đình chị Vá có 3 người con, thuộc diện hộ nghèo, chồng mất sớm, kinh tế gia đình phụ thuộc vào làm nương, tự cung, tự cấp nên đời sống còn nhiều bấp bênh. Thuộc diện đặc biệt khó khăn, năm 2020, chị Vá may mắn được hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Để phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ, Hội LHPN xã thường xuyên hướng dẫn, tập huấn “cầm tay chỉ việc” giúp chị biết cách chăm sóc, phòng bệnh. Đến nay, bò đã sinh sản thêm được 1 bê con, chị Vá cũng luân chuyển được 10 triệu đồng vốn ban đầu. Giờ đây, ngôi nhà nhỏ của chị đã ấm cúng hơn trước, chị Vá thêm yên tâm lao động với niềm tin thoát nghèo trong tương lai không xa.
Xã Thắng Mố là một trong 4 xã biên giới của huyện Yên Minh, toàn xã hiện có 553 hội viên, phụ nữ (HVPN), chị em đa phần là người dân tộc Mông, thiếu vốn phát triển sản xuất. Chủ tịch Hội LHPN xã Chẩn Thị Mẩy, cho biết: Năm 2020, xã được lựa chọn để thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đây là niềm vui lớn, tạo ra nhiều thay đổi trong đời sống HVPN nói riêng và các hộ dân trong xã nói chung. Chương trình đã triển khai mô hình nuôi bò sinh sản luân chuyển, hỗ trợ cho 10 HVPN có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Nhờ cần cù, chịu khó, sau 2 năm triển khai, đàn bò đều phát triển tốt, mặc dù chưa hết thời hạn đã có 9 chị em luân chuyển vốn ban đầu là 10 triệu đồng cho HVPN khác. Từ đó, nâng số lượng HVPN được hưởng lợi từ chương trình, kinh tế gia đình dần ổn định và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức hội cơ sở.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Yên Minh có 2 xã Thắng Mố và Na Khê được lựa chọn để thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vừ Thị Chở, cho biết: Để chương trình đạt hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực, bền vững cho phụ nữ vùng biên, Hội LHPN huyện đã tiến hành khảo sát, nắm bắt thực trạng, nhu cầu, vấn đề cần ưu tiên của HVPN địa phương để đề xuất, triển khai kế hoạch theo giai đoạn và hàng năm. Các hoạt động hỗ trợ tập trung vào nâng cao nhận thức, cải thiện sinh kế, việc làm và điều kiện sinh hoạt của phụ nữ, trẻ em. Để hiệu quả, chúng tôi cũng tăng cường huy động các nguồn lực, kêu gọi xã hội hóa, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, cấp ủy, chính quyền, các cấp, đoàn thể chung tay hỗ trợ HVPN. BTV Hội thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa nhân văn nhằm huy động sự chung tay của cả cộng đồng, tạo sức lan tỏa sâu rộng cho chương trình.
Bên cạnh duy trì tốt mô hình nuôi bò sinh sản luân chuyển tại xã Thắng Mố, năm 2022, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh kế, giúp HVPN cải tạo vườn tạp tại xã Na Khê. Trong đó, triển khai mô hình nuôi bò sinh sản, hỗ trợ cho 3 HVPN nghèo với kinh phí 20 triệu đồng/hộ và hỗ trợ cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ cho 10 chị em, tổng kinh phí là 210 triệu đồng. Thông qua sự hỗ trợ này sẽ thiết thực động viên, chia sẻ và hỗ trợ HVPN nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế từ những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh tại địa phương. Qua đó, sẽ góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội, trao quyền năng kinh tế, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
HVPN các xã biên giới huyện Yên Minh được đón nhận sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ thông qua các mô hình sinh kế, tiếp cận với khoa học kỹ thuật là những giá trị nhân văn mà chương trình mang lại, khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, cụ thể hóa chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KT – XH, củng cố QP - AN ở địa bàn biên giới.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc