Bộ Y tế xếp bệnh đậu mùa khỉ vào bệnh truyền nhiễm nhóm B

17:13, 11/11/2022

Bộ Y tế vừa có quyết định bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B - gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Ngày 9.11.2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3044/QĐ-BYT bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B căn cứ trên đề xuất của Cục Y tế Dự phòng; các hoạt động phòng, chống bệnh được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và căn cứ vào tính chất nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ.

Tại nước ta, các bệnh truyền nhiễm được phân làm 3 nhóm. Trong đó, nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh bao gồm các bệnh bại liệt, cúm gia cầm A(H5N1), bệnh đậu mùa, bệnh COVID-19, bệnh sốt vàng… Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thủy đậu… Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh (giang mai, lậu, bệnh sốt mò, sán lá gan, sốt xuất huyết do virus Hanta…).

Tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh về từ nước ngoài.

Đậu mùa khỉ (monkeypox) không phải là bệnh mới, ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu.

Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô, kể từ đó bệnh đậu mùa khỉ ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.

Năm 2003, đợt dịch đầu tiên bên ngoài châu Phi là ở Mỹ liên quan đến Cầy thảo nguyên (chó đồng) đã dẫn đến hơn 70 ca mắc và sau đó bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo rải rác.

Từ tháng 5 đến nay dịch có diễn biến bất thường, lan ra nhiều quốc gia. Thời gian ủ bệnh thường 6 - 13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5 - 21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa.

Các triệu chứng thường thấy như là: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2 - 3 tuần.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

(Nguồn của Báo Sức khoẻ và Đời sống)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa du lịch
BHG - Hà Giang đang bước vào mùa cao điểm du lịch. Vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo lòng tin, cũng như ấn tượng tốt đối với khách du lịch. Do đó, các cấp, ngành đã kịp thời tổ chức các cuộc kiểm tra để chấn chỉnh, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh hoàn thiện quy trình, điều kiện về ATTP, phục vụ tốt nhất cho du khách.
11/11/2022
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Mạnh Lợi dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Niêm Sơn
BHG - Ngày 11.11, thôn Niêm Đồng, xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18.11.1930 – 18.11.2022). Dự ngày hội có đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy. 
11/11/2022
“Chất keo” gắn kết vững chắc tình dân tộc
BHG - Những ngày này, tại các khu dân cư trên địa bàn huyện Mèo Vạc, mọi người rộn ràng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18.11.1930 -18.11.2022). Ngày hội mang nhiều ý nghĩa thiết thực, là “chất keo” vững chắc gắn kết đồng bào vùng cao biên giới cùng chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
11/11/2022
Xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ sở y tế
BHG - Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) được Quốc hội thông qua ngày 18.6.2012 và có hiệu lực kể từ ngày 1.5.2013. Để thực thi nghiêm Luật PCTHTL, tỉnh ta đã thành lập BCĐ để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động PCTHTL trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên BCĐ và chỉ đạo UBND các huyện, sở, ban, ngành, cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh thành lập BCĐ, Ban điều hành để triển khai hoạt động PCTHTL tại địa bàn quản lý, giao cho Sở Y tế làm đầu mối triển khai các hoạt động này.
11/11/2022