Bác sỹ Đặng Tuấn Hải nhiệt huyết với công việc
BHG - Tận tình với người bệnh, đam mê, nhiệt huyết với công tác chăm sóc mắt cho người dân… là nhận xét của đồng nghiệp dành cho bác sỹ Đặng Tuấn Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh.
Bác sỹ Đặng Tuấn Hải phẫu thuật mắt cho người bệnh. |
Bác sỹ Đặng Tuấn Hải sinh ra và lớn lên tại huyện Vị Xuyên. Sau khi tốt nghiệp THPT anh lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau khi xuất ngũ, năm 2004 anh theo học trường Trung cấp Y tế tỉnh, đến năm 2006, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Vị Xuyên. Để nâng cao trình độ chuyên môn, năm 2008 anh tiếp tục tham gia học tập tại trường Đại học Y Thái Bình. Sau tốt nghiệp nhận công tác tại khoa Mắt - Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội (tiền thân của Bệnh viện Mắt). Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết: “Cơ duyên để lựa chọn chuyên khoa Mắt là trong một lần được chứng kiến các y, bác sỹ Hà Nội lên điều trị mắt cho người dân tại Hà Giang, nhìn thấy niềm hạnh phúc của người bệnh sau khi tìm lại được ánh sáng cho đôi mắt của mình, lúc đó tôi đã mong muốn được tận tay điều trị cho người bệnh, chia sẻ bớt khó khăn cho người dân nơi đây”. Đến tháng 12.2013, Bệnh viện Mắt được thành lập. Tại đây anh đã trải qua nhiều vị trí công tác, ở cương vị nào anh cũng chứng tỏ được khả năng chuyên môn và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2017 anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh.
Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, anh luôn gương mẫu, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao ý thức, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; thực hiện tốt 12 điều quy định về y đức và quy tắc ứng xử của ngành Y, xứng đáng với lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”. Bên cạnh đó, anh luôn chủ động tham mưu và cùng Ban Giám đốc bệnh viện triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB); ứng dụng kỹ thuật mới vào điều trị như: Laser Yarg tạo hình mống mắt, siêu âm đầu nhúng, phẫu thuật cắt cơ nâng mi trên điều trị sụp mi, đặt bi silicon trong tạo hình mắt, phẫu thuật quặm bằng phương pháp Sajpeko, phẫu thuật nối thông lệ đạo, điều trị nhược thị bằng máy Synoptophore.... Trong 9 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Mắt đã khám 6.282/4.500 lượt người bệnh, trong đó khám tại bệnh viện 3.604 lượt, khám ngoại viện 2.678 lượt, đạt 139,6% kế hoạch năm và đạt 157,87% so với cùng kỳ năm trước.
Thời điểm khi dịch COVID-19 chưa diễn biến phức tạp, anh Hải cùng đồng nghiệp phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, Trạm Y tế xã thường xuyên tổ chức các chương trình KCB miễn phí cho người dân. Có những đợt điều trị miễn phí cho hàng nghìn người bệnh, phẫu thuật cho hàng trăm ca mắc các bệnh về mắt. Đến nay, anh đã thực hiện phẫu thuật trên 4.000 ca, trong đó có mổ đục thủy tinh thể, mộng thịt, chấn thương, quặm mi, lệ đạo.
Ông Nguyễn Hữu D, người bệnh trú tại huyện Yên Minh cho biết: “Khi tôi có cháu nội, đôi mắt tôi đã không nhìn thấy gì, tôi chỉ nghe được tiếng chúng lớn lên hàng ngày. Tôi nghĩ đôi mắt mình không bao giờ được nhìn chúng nó nữa. Thời gian trôi qua, bây giờ đứa cháu ấy nó lớn lắm rồi, xây dựng gia đình, tôi cũng có thêm chắt. Vừa rồi các con đưa tôi đến Bệnh viện Mắt chữa trị, nhờ có bác sỹ Hải phẫu thuật, đôi mắt tôi một lần nữa được nhìn thấy ánh sáng trở lại sau hàng chục năm sống trong mù lòa. Giờ đây, được nhìn con, cháu, chắt, tôi vui sướng và hạnh phúc lắm”.
Hiểu rõ lợi ích trong công tác KCB, anh Hải càng đam mê, nhiệt huyết với công việc của mình. Anh đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và được ứng dụng hiệu quả vào nhiệm vụ chuyên môn, góp phần cùng bệnh viện phát huy tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ngoài ra, để nâng cao tay nghề, anh thường xuyên tham gia nhiều lớp đào tạo chuyên sâu; tham gia các câu lạc bộ chuyên ngành, như: Câu lạc bộ Mắt trẻ em, kết giác mạc, dịch kính võng mạc, Glocom… và là thành viên Hội nhãn khoa Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu đạt được trên con đường tìm lại ánh sáng cho người dân, anh vẫn luôn trăn trở bởi mạng lưới cộng tác viên y tế cơ sở còn yếu, người dân một phần chưa có kiến thức chăm sóc mắt ban đầu, nên khi người bệnh được đưa đến cơ sở y tế, đôi mắt đã bị biến chứng và không thể điều trị. Vì thế, trong thời gian tới, anh sẽ cùng Ban Giám đốc bệnh viện tiếp tục xây dựng đề án phát triển toàn diện bệnh viện; định hướng cho cán bộ trẻ được đi đào tạo, tiếp cận với các dịch vụ mới, chất lượng; tích cực triển khai các hoạt động tại cộng đồng, đưa dịch vụ y tế về cơ sở, giúp người dân có điều kiện khám, điều trị ngay tại địa phương; đồng thời, mở các lớp đào tạo cho tuyến huyện, xã để nâng cao chất lượng chăm sóc mắt ban đầu tại cộng đồng, góp phần vào công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân.
Với những đóng góp không nhỏ, anh đã cùng đồng nghiệp đưa Bệnh viện Mắt ngày càng phát triển, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại. Ghi nhận những đóng góp đó, nhiều lần anh được Sở Y tế và Hội Nhãn khoa Việt Nam tặng Bằng khen, Giấy khen.
Bài, ảnh: Hồng Mai
Ý kiến bạn đọc