Tăng cường phòng, chống bệnh dại
BHG - Hiện nay, các ca mắc bệnh dại trên toàn quốc đang tăng cao, do đó tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bệnh dại và khuyến cáo người dân chủ động tiêm vắc xin ngừa bệnh dại cho vật nuôi, nhằm phòng, chống bệnh dại hiệu quả.
Bộ Y tế cho biết, năm nay bệnh dại xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh này... Thời gian gần đây, người bị súc vật nghi dại cắn đến tiêm phòng vắc xin dại tăng cao. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 1.300 người bị chó cắn, trong đó có 696 ca đã đến các cơ sở tiêm phòng dại; có 2 ca tử vong tại xã Minh Tân (Vị Xuyên) và xã Yên Cường (Bắc Mê). Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, những người khi mắc bệnh dại đã lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%. Anh Lê Quang Hưng, tổ 5, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang, chia sẻ: “Tôi đã từng bị chó cắn, do không thể theo dõi được con chó có bị dại hay không nên tôi đã đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại và được tư vấn rất kỹ. Tôi được biết sau khi bị chó dại cắn nếu phát cơn dại sẽ tử vong, do đó mọi người nên đến các cơ sở y tế để tiêm phòng sau khi bị chó cắn để đảm bảo an toàn”.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, ngành chuyên môn đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc quản lý, thống kê đàn chó trên địa bàn; rà soát số lượng chó chưa được tiêm phòng vắc xin cần tổ chức tiêm phòng bổ sung đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt theo kế hoạch. Đồng thời hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký và tiêm phòng vắc xin dại. Khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải có người dắt và đeo rọ mõm theo đúng quy định.
Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Nguyễn Tất Thắng cho biết: Để giảm nguy cơ tử vong do bệnh dại gây ra, ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động người dân sau khi bị chó cắn cần đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại kịp thời. Bên cạnh đó, truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền cho người nuôi chó cần có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người ở các khu vực công cộng, tránh để trường hợp chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng. Tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật đề tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin lên ít nhất 70% tổng đàn.
Để bệnh dại không bùng phát, ngành Y tế và các ban, ngành liên quan cần triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ. Đồng thời, người dân cũng cần nâng cao nhận thức “phòng hơn chữa”, chủ động tiêm phòng cho bản thân và tiêm phòng cho vật nuôi để giảm số ca tử vong do bệnh dại gây ra, tiến tới xóa bỏ bệnh dại.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc