Nỗ lực thay đổi nhận thức học sinh về bài trừ hủ tục

17:35, 10/10/2022

BHG - Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy về thực hiện bài trừ hủ tục, phong tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đời sống các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27) đã chỉ rõ: Ngành Giáo dục chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy biên soạn tài liệu tuyên truyền để giảng dạy trong các cấp học, từng bước thay đổi nhận thức cho thế hệ trẻ, coi đây là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định đến việc thực hiện thành công Nghị quyết.

Trò chơi dân gian được đưa vào hoạt động ngoại khóa của các trường học trên địa bàn huyện Bắc Mê.
Trò chơi dân gian được đưa vào hoạt động ngoại khóa của các trường học trên địa bàn huyện Bắc Mê.

Thực hiện Nghị quyết 27, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các kế hoạch, giải pháp, như: Thành lập Ban Chỉ đạo; xây dựng, hoàn chỉnh bộ tài liệu tuyên truyền về hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu từ bậc mầm non tới THPT; phát động tổ chức Hội thi tìm hiểu về xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu trong các cấp học; lồng ghép, đưa nội dung của nghị quyết vào giảng dạy, trong các buổi học ngoại khoá…

Nhận thức tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hành vi vi phạm pháp luật, gây ra những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với bản thân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, dân tộc và thường xảy đến ở lứa tuổi học sinh cấp THCS và THPT. Do đó, các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các mô hình, như: Trường học không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; lồng ghép tuyên truyền tại các buổi học ngoại khoá, sinh hoạt đầu tuần; xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm học, từng giai đoạn; tổ chức các Hội thi tìm hiểu về Nghị quyết 27… tạo sức hút, hình thành lối sống mới cho các em học sinh.

Em Nguyễn Thuý Hiền, lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Hà Giang chia sẻ: “Ngay đầu năm học mới, bên cạnh việc học kiến thức trên lớp, tại các buổi ngoại khoá, chào cờ đầu tuần hay tại giờ giải lao chúng em thường xuyên được nghe tuyên truyền về việc xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, chúng em được tham gia Hội thi xoá bỏ hủ tục lạc hậu giúp chúng em có cái nhìn đúng đắn và chủ động tham gia bài trừ hủ tục, tuyên truyền tới mọi người trong gia đình và địa phương cùng thực hiện”.

Thầy giáo Dương Đức Huỳnh, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Phiêng Luông (Bắc Mê), cho biết: “Phong tục, hủ tục lạc hậu gây hệ lụy tới quá trình giảng dạy của các thầy, cô giáo; nhất là khi có đám ma, các em thường nghỉ học dài ngày; không ít trường hợp các em tảo hôn dẫn đến bỏ học. Khắc phục tình trạng này, nhà trường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu thông qua hoạt động thành lập Đội phát thanh măng non tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khoá; tổ chức thăm hỏi, tuyên truyền các hộ dân tích cực xoá bỏ hủ tục lạc hậu. Vì vậy, năm học mới 2022 – 2023 đã giúp thay đổi nhận thức trong tư tưởng của các em, học sinh bỏ học đã không còn”.

Lưu giữ văn hoá truyền thống tốt đẹp được xem là nền tảng góp phần đẩy lùi các phong tục lạc hậu. Hành trang cùng các em trong năm học mới bên cạnh sách vở đó là những bộ quần áo trang phục của dân tộc mình, tạo nên vẻ đẹp riêng có của mỗi dân tộc. Em Vàng Thị Chợ, dân tộc Mông, học sinh lớp 9, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Phiêng Luông, chia sẻ: “Từ khi đi học, đến trường, dưới sự dạy dỗ của thầy cô giáo, chúng em đã nhận thức được nhiều điều; mọi người biết cách ăn ở sạch sẽ, nhận dạng các hủ tục, phong tục lạc hậu; được các nghệ nhân truyền dạy về nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian; định hướng nghề nghiệp tương lai… đã giúp chúng em nhận thức và truyền đạt lại cho gia đình, họ hàng để gìn giữ những nét đẹp văn hoá dân tộc; bài trừ hủ tục và có động lực hơn trong học tập để sau này đóng góp cho quê hương, đất nước”.

Nghị quyết 27 đã tác động mạnh mẽ tới các cấp, ngành, tạo nên “làn gió mới” trong phát huy nét đẹp văn hóa, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào các dân tộc, xây dựng quê hương Hà Giang ngày một phát triển toàn diện.

Bài, ảnh: Hoàng Yến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sở GD&ĐT tổ chức đối thoại giữa Giám đốc với cán bộ, giáo viên, nhân viên
BHG - Chiều 10.10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị đối thoại giữa Giám đốc Sở GD&ĐT với cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục toàn tỉnh. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối tới 53 điểm cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở.
10/10/2022
Nòng cốt trong thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước
BHG - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) từ tỉnh đến cơ sở luôn phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, nâng cao khối đại đoàn kết toàn dân; tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, vận động nhân dân phát triển kinh tế, thi đua lao động sáng tạo, bảo vệ môi trường... góp phần quan trọng vào phát triển KT – XH và giữ vững QP – AN tại địa phương.
10/10/2022
Năm 2023, khuyến cáo các trường không tổ chức xét tuyển sớm
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023 dự kiến sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2022.
10/10/2022
Hội thi tuyên truyền "Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh" bậc THCS
BHG - Ngày 8.10, Phòng GD&ĐT thành phố Hà Giang tổ chức Hội thi tuyên truyền “Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh” bậc THCS, cấp thành phố, năm học 2022 – 2023.
09/10/2022