Tín dụng chính sách - "điểm tựa" vững chắc cho người yếu thế

14:34, 09/08/2022

BHG - 20 năm trước, vào tháng 10.2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về thực hiện tín dụng chính sách (TDCS) đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Lúc bấy giờ, Hà Giang là 1 tỉnh còn khó khăn về mọi mặt. Nhưng 20 năm sau, từ đồng vốn ưu đãi của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến vững chắc trên hành trình vượt lên đói nghèo. Từ đó khơi dậy ý chí, nghị lực để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhờ tiếp cận nguồn vốn của Nhà nước đã góp phần hạn chế việc người dân tìm đến tín dụng đen
Nhờ tiếp cận nguồn vốn của Nhà nước đã góp phần hạn chế việc người dân tìm đến tín dụng đen

Khởi sắc nhờ nguồn vốn TDCS    

Những ngày tháng 8 dưới cái nắng vàng của mùa Thu, chúng tôi có dịp đến huyện Xín Mần. Đến Xín Mần hôm nay, điều mà tôi cũng như nhiều người cảm nhận được rõ nét là làng quê nông thôn miền núi đang từng ngày thay đổi và khởi sắc hơn so với trước đây. Sự phát triển đó không thể phủ nhận là nhờ đóng góp rất lớn của nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện. Đây được xem là “điểm tựa” cho sự đổi thay của 1 huyện nghèo.

Đã có rất nhiều hộ nghèo nhờ nguồn vốn của NHCSXH mà thoát được cái nghèo và ổn định cuộc sống, vươn tới làm giàu. Đến thăm gia đình anh Vàng Văn Quyền ở thôn Lao Pờ, xã Xín Mần, được biết, ban đầu anh chỉ dám vay ít, đến khi kinh tế dần ổn định anh đã mạnh dạn vay nhiều hơn để đầu tư làm chuồng trại nuôi dê hàng hoá và trồng cây ăn quả. Hiện tại, anh đang vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo. Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện gia đình anh Quyền đã thoát nghèo, vươn lên hướng tới làm giàu. Anh Vàng Văn Quyền chia sẻ: “Nếu như không vay vốn để đầu tư chăn nuôi và trồng trọt, không biết khi nào gia đình tôi mới thoát được cái nghèo. Bây giờ cuộc sống đã ổn định, gia đình hạnh phúc, thật biết ơn Đảng và Nhà nước đã cho tôi được tiếp cận vay vốn”.

Trao đổi về câu hỏi “Ngân hàng đã triển khai kế hoạch cũng như cách thức cho vay như thế nào để người dân có thể tận dụng tốt nguồn vốn TDCS?”, ông Trần Thanh Vỹ, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Xín Mần vui vẻ cho hay: "Từ khi triển khai các nguồn vốn tới người dân, chúng tôi được sự ủng hộ rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cùng với đó là các tổ chức hội, đoàn thể từ huyện tới cơ sở đảm nhận quản lý, ủy thác vốn cho bà con nông dân. Do đó, công tác chỉ đạo, điều hành rất thuận lợi. Cứ hàng tháng, cán bộ, nhân viên chúng tôi thường xuyên cùng với các tổ chức hội nhận ủy thác và các tổ trưởng Tổ Tiết kiệm & Vay vốn (TK&VV) tổ chức họp giao ban đều đặn vào các phiên giao dịch cố định. Đây chính là dịp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh".

Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, gia đình anh Pờ A Sài, thôn Khâu Nhịu, xã Đông Minh (Yên Minh) đã ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống
Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, gia đình anh Pờ A Sài, thôn Khâu Nhịu, xã Đông Minh (Yên Minh) đã ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống

Ông Phạm Duy Hiền, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: "Trong suốt thời gian 20 năm thực hiện TDCS theo Nghị định 78, huyện Xín Mần đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay được trên 40.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt hơn 1.000 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 640 tỷ đồng. Tổng dư nợ 16 chương trình TDCS đạt gần 390 tỷ đồng. Nguồn vốn TDCS trong 20 năm qua đã kịp thời góp phần giúp cho gần 10.600 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 870 lao động; giúp đỡ gần 500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 5.500 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 1.700 ngôi nhà cho hộ nghèo... Có thể nói, nhờ có nguồn vốn TDCS 20 năm qua, huyện Xín Mần ngày càng khởi sắc, nhiều người yếu thế vươn lên thoát nghèo, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi.

Hiệu quả từ hoạt động các tổ TK&VV

Tổ TK&VV tại các thôn, bản, tổ dân phố không những chuyển tải thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác mà còn thực hiện việc quản lý, giám sát, thu nợ vốn. Chính vì vậy, các tổ chức nhận ủy thác luôn quan tâm đến việc phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV ở cơ sở và xem đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn toàn tỉnh.

Tổ TK&VV thôn Khâu Nhịu, xã Đông Minh (Yên Minh) là một trong những tổ TK&VV duy trì hiệu quả hoạt động trên địa bàn xã và huyện nói riêng, toàn tỉnh nói chung. Anh Pờ A Hoan, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Khâu Nhịu cho biết: "Tổ được thành lập từ năm 2005, hiện nay tổ thực hiện, quản lý 7 chương trình vay vốn với tổng dư nợ trên 1,4 tỷ đồng cho 31 hộ vay. Qua theo dõi và nắm bắt, hầu hết các hộ vay vốn đều trả nợ, lãi đầy đủ hàng tháng, không phát sinh nợ quá hạn và lãi tồn. Cho đến nay trong tổ đã có 16 hộ thoát nghèo".

Gia đình anh Pờ A Sài và chị Lù Thị Mủi, thôn Khâu Nhịu, xã Đông Minh (Yên Minh) là một trong những hộ được vay vốn từ nguồn hỗ trợ hộ nghèo để phát triển kinh tế thông qua Hội Cựu chiến binh xã với số vốn 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu bò và lợn. Đến nay, gia đình đã ổn định và xây dựng được ngôi nhà khang trang. “May mắn được sự động viên, định hướng của Tổ TK&VV thuộc Hội Cựu chiến binh xã mà gia đình tôi đã được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng để làm ăn thuận lợi, qua đó có thêm nguồn thu nhập để gia đình nỗ lực thoát nghèo và nuôi dạy con cái ăn học bằng bà con làng xóm”, chị Lù Thị Mủi cho hay.

Mạng lưới Tổ TK&VV được thành lập và hoạt động sâu rộng tại các thôn, bản, khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh là một lợi thế. Với phương thức giải ngân trực tiếp đến từng người vay vốn, tổ chức giao dịch tại điểm giao dịch xã, nguồn vốn TDCS đã đến tận tay người thụ hưởng một cách thuận tiện, nhanh chóng và bảo đảm công khai, minh bạch. Đến nay, toàn tỉnh có 2.577 Tổ TK&VV đang hoạt động.

Triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW

Ngày 22.11.2014, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tại Hà Giang, sau khi có Chỉ thị 40-CT/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng đã xác định TDCS là một trong những phương thức, công cụ thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, hoạt động TDCS ngày càng được phát huy, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao. 

Bí thư Đảng ủy xã Na Khê (huyện Yên Minh) Phạm Văn Sơn chia sẻ: "Nguồn vốn của NHCSXH thực sự có ý nghĩa quan trọng với người dân vùng cao bởi lãi suất ưu đãi, giải ngân nhanh chóng tại xã, ủy thác qua các tổ chức hội đoàn thể công khai, minh bạch. Hơn hết, từ khi ban hành Chỉ thị 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh các hoạt động nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn vốn vay bằng các việc làm cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng số lượng các Tổ TK&VV và giám sát nguồn vốn chặt chẽ để mang lại hiệu quả thiết thực".

Kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị định 78 và sau hơn 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai cho vay 18 chương trình TDCS cho trên 508.817 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách với số tiền 10.769 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn TDCS đạt 4.061 tỷ đồng, tăng 3.944,2 tỷ đồng (gấp 34,7 lần) so với thời điểm nhận bàn giao năm 2003. Tổng dư nợ các chương trình TDCS đạt 4.046 tỷ đồng với 89.063 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; dư nợ bình quân là 45,4 triệu đồng/khách hàng vay. Việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua đã góp phần hỗ trợ cho 30.195 lao động có công ăn việc làm ổn định thuộc chương trình cho vay giải quyết việc làm; 2.360 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động có nguồn thu nhập ngoại tệ gửi về trả nợ ngân hàng và giúp đỡ gia đình; 16.748 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, chuyển đổi nghề, cải tạo và khai hoang đất; 14.740 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở; trên 15.124 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; 80.892 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường góp phần cải thiện môi trường xanh sạch, không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn...

Tại buổi làm việc với Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam hồi đầu tháng 7 vừa qua, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, các chương trình vốn vay ưu đãi, phục vụ xoá đói, giảm nghèo, an sinh xã hội đã góp phần giúp cho đồng bào Hà Giang từng bước nâng cao đời sống vật chất và thoát nghèo. Đồng thời, mong muốn NHCSXH Việt Nam tiếp tục quan tâm và bố trí nguồn vốn cho các chương trình, dự án của tỉnh, đặc biệt là nguồn vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác... góp phần cùng tỉnh Hà Giang thực hiện đạt mục tiêu phát triển KT-XH theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra. Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng cam kết NHCSXH sẽ đáp ứng đủ nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ, bảo đảm người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện vay trên địa bàn tỉnh Hà Giang được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ tới 100%.

20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ/CP là khoảng thời gian không ngắn. Khoảng thời gian này đã có hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách được tiếp cận, vay vốn TDCS để có cơ hội thoát nghèo. Cuộc sống của họ trở nên khởi sắc hơn bởi chính những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành đúng đắn, có hiệu lực và hiệu quả. Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của TDCS xã hội đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh, là công cụ và giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết và kế hoạch của tỉnh đã đề ra.

Bài, ảnh: Hồng Cừ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công bố Quyết định thành lập Trường PTDT Nội trú - THCS và THPT các huyện Vị Xuyên và Quang Bình
BHG - * Sáng 9.8, tại hội trường UBND huyện Vị Xuyên, Sở GD&ĐT tổ chức công bố Quyết định thành lập Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú - THCS và THPT huyện Vị Xuyên. Đến dự có các đồng chí: Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Bình, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT. Cùng dự có lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, các phòng, ban của huyện và các thầy, cô giáo nhà trường…
09/08/2022
Trưởng ban công tác mặt trận gương mẫu, trách nhiệm
BHG - Nhắc đến bà Nguyễn Thị Sáng, Trưởng ban công tác mặt trận tổ 1, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang ai cũng khen ngợi bà là một cán bộ gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, với nhân dân.
08/08/2022
Hoàng Su Phì sáng tạo trong xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu
BHG - Thành lập các tổ công tác trực tiếp làm việc với cấp ủy, chính quyền, Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín (NCUT) để nắm bắt đầy đủ các trình tự, thủ tục, phong tục, tập quán của các dân tộc theo từng lĩnh vực: Việc cưới, việc tang, lễ hội, nếp sống sinh hoạt trong cộng đồng dân cư tại 24 xã, thị trấn. Sau đó tiến hành thảo luận, lựa chọn, thống nhất những nội dung, hủ tục, phong tục không phù hợp cần cắt giảm, cải tiến, bãi bỏ và những nét đẹp văn hoá cần được lưu giữ, bảo tồn. Đó là cách làm sâu sát, quyết liệt trong xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở huyện Hoàng Su Phì.
08/08/2022
Nên đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trước ngày 10-8
Tính đến ngày 7-8, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng giáo dục mầm non năm 2022 đã được hơn một nửa. Hạn cuối đăng ký lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo (https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn) là 17h ngày 20-8-2022.
08/08/2022