“Thấu lòng dân, tận tâm phục vụ”
BHG - Đó là phương châm hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bắc Quang xuyên suốt 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78, ngày 4.10.2002 của Chính phủ. Qua đó, kết tinh những giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực “cửa ngõ” phía Nam.
Tín dụng ưu đãi giúp nhiều hộ dân thôn Hùng Tâm, xã Hùng An (Bắc Quang) thêm nguồn vốn đầu tư thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất. |
Mô hình quản lý và hoạt động của Ngân hàng CSXH huyện Bắc Quang hiện nay bao gồm: Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện; cán bộ, viên chức, người lao động làm nhiệm vụ tác nghiệp; tổ chức hội, đoàn thể làm dịch vụ ủy thác cho vay; các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) do cộng đồng dân cư tự nguyện thành lập, làm nhiệm vụ bình xét công khai, dân chủ để lựa chọn người có đủ điều kiện vay vốn. Từ mô hình này đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia vào công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời, tạo bước đột phá trong quản lý, sử dụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn TDCSXH, đẩy lùi tiêu cực, tín dụng đen ở cơ sở. Hơn nữa, thông qua 23 điểm giao dịch tại 23 xã, thị trấn dưới sự giám sát, quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương và 89 hội, đoàn thể nhận ủy thác từ huyện đến xã với 327 tổ TK&VV, Ngân hàng CSXH huyện đã tập trung được nguồn nhân lực, chuyển tải vốn ưu đãi của nhà nước đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách một cách an toàn, hiệu quả.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Bắc Quang tư vấn tín dụng chính sách xã hội cho khách hàng. |
Hiện nay, mạng lưới tổ TK&VV phủ khắp các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện với tổng số 327 tổ. Trong đó, 100% tổ TK&VV có chất lượng hoạt động xếp loại tốt, khá, không có tổ trung bình, yếu kém. Tổ TK&VV đi vào hoạt động được ví như “cánh tay” nối dài của Ngân hàng CSXH, là cầu nối giữa Ngân hàng với người vay vốn, giúp chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời, thuận lợi, đảm bảo công khai, dân chủ, tạo hiệu quả về KT-XH. Bà Lý Thị Thanh, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Khuổi Mù (xã Vĩnh Hảo) chia sẻ: Thông qua tổ TK&VV, thôn Khuổi Mù đã có 52 hộ thành viên vay vốn thuộc 5 chương trình: Cho vay hộ nghèo; cận nghèo; hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với dư nợ vốn vay lên đến hơn 2,9 tỷ đồng. Qua đó, góp phần vào kết quả phát triển KT-XH địa phương, nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo. Đến nay, trong tổng số 78 hộ của thôn (với 98,7% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số) thì số hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới giảm còn 26 hộ.
Từ năm 2003 đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã, đang triển khai cho vay 16 chương trình TDCSXH với tổng doanh số cho vay lên đến hơn 1.100 tỷ đồng với gần 56.000 lượt khách hàng. Hiện, còn 12.300 khách hàng dư nợ với số tiền trên 523 tỷ đồng. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang: TDCSXH cho hộ nghèo theo Nghị định 78 của Chính phủ là một trong những chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Nguồn vốn TDCSXH đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thêm cơ hội tạo việc làm mới, ngành nghề mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm cho diện mạo nông nghiệp, nông thôn khởi sắc. Từ năm 2002 đến nay, nguồn vốn TDCSXH đã giúp 55.589 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; 1.284 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; góp phần tạo việc làm cho 3.417 lao động; giúp 476 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa hơn 29.600 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng mới và sửa chữa 213 căn nhà cho hộ nghèo. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thông qua chương trình TDCSXH đã góp phần giúp 10.012 hộ thoát nghèo, cận nghèo. Kết quả này góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ trên 30% (năm 2002) xuống còn 17,25% đầu năm 2022 (theo tiêu chí đa chiều mới) và hộ cận nghèo chỉ chiếm 9,89%.
Xác định TDCSXH là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển KT-XH tại địa phương. Do vậy, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng TDCSXH. Trong đó, tiếp tục phát triển Ngân hàng CSXH theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt TDCSXH của nhà nước gắn liền với việc nâng cao chất lượng phục vụ, hỗ trợ người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng CSXH huyện để đáp ứng vốn thực hiện các chương trình TDCSXH. Trên cơ sở đó, phấn đấu đến năm 2030, dư nợ đạt trên 700 tỷ đồng; 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước; hàng năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 – 2,5%, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 1.500 lao động...
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc