Sẵn sàng đáp ứng vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng và phòng, chống dịch bệnh
BHG - Với điều kiện khó khăn của tỉnh vùng cao, biên giới như: Địa bàn rộng, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Thực hiện mục tiêu tăng cường công tác dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, những năm qua Hà Giang đã triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm phòng vắc xin COVID-19.
Cán bộ Trạm Y tế phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. |
Để triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tham mưu cho Sở Y tế xây dựng kế hoạch, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện, thành phố triển khai hiệu quả các chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn chuyên môn cho Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố về an toàn tiêm chủng, hướng dẫn quy trình tiếp nhận, bảo quản, quản lý, sử dụng vắc xin từ tỉnh đến huyện, xã, các điểm tiêm chủng lưu động tại thôn bản. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng tại các huyện, xã nhằm hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật kịp thời cho tuyến cơ sở. Đồng thời, cung ứng vắc xin từ Trung ương đến tuyến tỉnh, huyện, xã luôn được bảo đảm.
Dược sĩ Lương Triều Văn, phụ trách khoa Dược - Vật tư y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Trên cơ sở số lượng đăng ký vắc xin của các huyện, thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổng hợp nhu cầu vắc xin của toàn tỉnh để trình Sở Y tế, Bộ Y tế. Đồng thời, phối hợp với Cục Hậu cần, Quân khu II tiếp nhận và vận chuyển vắc xin phòng COVID-19 đến Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đảm bảo chất lượng”. Tính đến ngày 15.8.2022, toàn tỉnh tiếp nhận 2.185.788 liều vắc xin phòng COVID-19, riêng trong năm 2022 là 895.212 liều vắc xin phòng COVID-19 và 441.070 liều vắc xin tiêm chủng mở rộng.
Việc cung ứng kịp thời các loại vắc xin đã góp phần bảo đảm hiệu quả của chương trình tiêm chủng, trên địa bàn không để tình trạng thiếu vắc xin hoặc để vắc xin quá hạn. Tại các cơ sở y tế được đầu tư trang bị dây truyền lạnh bảo quản vắc xin theo quy định, vắc xin được bảo quản, vận chuyển trong các thiết bị chuyên dụng như tủ lạnh TCW4000AC, xe tải lạnh, hòm lạnh, phích vảo quản vắc xin… việc kiểm tra, theo dõi nhiệt độ bảo quản vắc xin được thực hiện nghiêm túc, liên tục.
Để vận động người dân tham gia các chương trình tiêm chủng, ngoài tuyên truyền, tổ chức các điểm tiêm lưu động tại thôn bản, các chiến dịch tiêm phòng được tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế và tập quán của người dân địa phương.
Với nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả các chương trình tiêm chủng trên địa bàn tỉnh luôn đạt kết quả khả quan. Chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm cho trẻ dưới 1 tuổi được tiêm phòng đầy đủ luôn đạt trên 96%; tiêm vắc xin phòng uốn ván, bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi đạt 96,9%; tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản mũi 3 đạt 97,2 %. Kết quả chương trình tiêm phòng COVID -19 đến ngày 15.8: Người từ 18 tuổi trở lên, mũi 1 đạt 101%, mũi 2 đạt 99,8%, mũi 3 đạt 70,9%, mũi 4 đạt 67,1%; trẻ em từ 12-17 tuổi: Mũi 1 đạt 102%, mũi 2 đạt 100,4%, mũi 3 đạt 38%; trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Mũi 1 đạt 87,4%, mũi 2 đạt 58,5%.
Có thể khẳng định, tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cho nhân loại. Theo các chuyên gia, khoảng 85 - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19 vừa qua, tiêm chủng vắc xin phòng ngừa chủ động đã mang lại hiệu quả to lớn, từng bước đẩy lùi COVID-19, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Vì sức khỏe của mỗi người, mỗi gia đình hãy đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tiêm chủng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 có các biến chủng mới như hiện nay, mọi người cần tiêm đầy đủ các mũi tiêm phòng và tiêm nhắc lại phòng COVD-19.
Bài, ảnh: Liên Hương
Ý kiến bạn đọc