Hoàng Su Phì sáng tạo trong xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu
BHG - Thành lập các tổ công tác trực tiếp làm việc với cấp ủy, chính quyền, Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín (NCUT) để nắm bắt đầy đủ các trình tự, thủ tục, phong tục, tập quán của các dân tộc theo từng lĩnh vực: Việc cưới, việc tang, lễ hội, nếp sống sinh hoạt trong cộng đồng dân cư tại 24 xã, thị trấn. Sau đó tiến hành thảo luận, lựa chọn, thống nhất những nội dung, hủ tục, phong tục không phù hợp cần cắt giảm, cải tiến, bãi bỏ và những nét đẹp văn hoá cần được lưu giữ, bảo tồn. Đó là cách làm sâu sát, quyết liệt trong xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở huyện Hoàng Su Phì.
Tuyên truyền xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu theo hình thức sân khấu hóa. |
Thực hiện Chỉ thị số 09, ngày 10.5.2021 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27, ngày 1.5.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; huyện Hoàng Su Phì đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức triển khai thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức như tuyên truyền qua các hội nghị, các buổi họp thôn, sinh hoạt các hội, đoàn thể; đặc biệt là thông qua hình thức sân khấu hóa, tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức, các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Phát huy vai trò của NCUT ở các thôn, bản trong công tác vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu.
Huyện cũng đã thành lập Tổ vận động bài trừ hủ tục lạc hậu ở các thôn, bản tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đặc biệt, thành lập 4 tổ công tác trực tiếp làm việc với cấp ủy, chính quyền, Hội nghệ nhân dân gian, NCUT ở các xã, thị trấn để nắm bắt đầy đủ các trình tự, thủ tục, phong tục, tập quán của các dân tộc theo 4 lĩnh vực, gồm: Việc cưới, việc tang, lễ hội, nếp sống sinh hoạt đối với 8/13 dân tộc chiếm đa số (Nùng, Tày, Dao, Mông, La Chí, Phù Lá, Cờ Lao, Hoa).
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoàng Su Phì, Hoàng Tiến Dũng cho biết: Các tổ công tác trực tiếp đến thôn, bản để nắm bắt từng phong tục, tập quán cụ thể trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nếp sống sinh hoạt của các dân tộc. Từ đó, thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng nội dung nào cần cải tiến, nội dung nào cần cắt giảm và nội dung nào cần xóa bỏ hoàn toàn. Ví dụ như đối với dân tộc Tày, trong việc cưới, thống nhất cắt giảm 4 nội dung, xóa bỏ 4 nội dung; trong việc tang cắt giảm 2 nội dung, cải tiến 2 nội dung và xóa bỏ 2 nội dung. Vì các phong tục, tập quán đã tồn tại lâu đời trong đời sống của người dân, nên quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là với các nội dung như giảm tiền sính lễ, giảm lễ vật trong việc cưới, giảm tiền công cho thầy cúng, thầy mo trong việc tang… Các tổ công tác dành nhiều thời gian để nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong nhân dân, tránh để xảy ra xung đột, mâu thuẫn lớn. Lắng nghe, bàn bạc, công khai, dân chủ, tạo tiếng nói chung trong cộng đồng, từ đó mới đi đến thống nhất các phong tục, tập quán cần cắt giảm, bài trừ, cải tiến.
Anh Tráng Văn Nèn, Trưởng thôn Lủng Dăm, xã Sán Sả Hồ cho biết: Thôn có 100% dân tộc Nùng sinh sống. Các phong tục, tập quán trong việc cưới, việc tang của đồng bào đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Vừa qua, tổ công tác của huyện đã trực tiếp đến tận thôn khảo sát, nắm từng phong tục, tập quán và thống nhất cắt giảm, xóa bỏ một số nội dung như: Trong việc cưới, giảm và gộp số sính lễ mà nhà trai phải mang sang nhà gái (gạo, rượu, thịt, tiền, đồ trang sức giá trị khoảng 31 triệu đồng), đề nghị quy đổi sang tiền mặt và giảm xuống dưới 20 triệu đồng; hạn chế việc hai bên nhà trai, nhà gái đưa, đón dâu, uống nhiều rượu. Trong việc tang, giảm tiền công cho thầy cúng từ 7 triệu đồng xuống dưới 4 triệu đồng; không làm đám dài ngày; không giết mổ nhiều gia súc… Hầu hết bà con nhân dân trong thôn đều đồng tình ủng hộ vì nhận thức rõ những phong tục, tập quán lạc hậu gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các gia đình.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoàng Su Phì, Lù Văn Chung khẳng định: Với cách làm sâu sát, cụ thể, trực tiếp nắm bắt từng phong tục, tập quán trong cuộc sống của người dân để từ đó bàn bạc công khai, dân chủ, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong việc cắt giảm, cải tiến, xóa bỏ những hủ tục, phong tục lạc hậu đã tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị. Qua quá trình khảo sát, thảo luận về các trình tự, thủ tục, phong tục, tập quán của 8/13 dân tộc chiếm đa số; huyện đã thống nhất trong việc cưới giảm 19 thủ tục, cải tiến 12 nội dung, xóa bỏ 22 nội dung; việc tang giảm 15 thủ tục, cải tiến 8 thủ tục, xóa bỏ 11 nội dung; trong lễ hội cải tiến 5 nội dung, bảo tồn, lưu giữ 5 nội dung. Đồng thời, đưa những nội dung cần cải tiến, cắt giảm, bài trừ các hủ tục lạc hậu vào quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố, quy chế hoạt động của Hội nghệ nhân dân gian để tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc