Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao
BHG - Những năm gần đây, tỉnh ta có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tình trạng SDD trẻ em ở các xã vùng sâu, xa đã được cải thiện rõ rệt.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Bắc Mê tuyên truyền, tư vấn về dinh dưỡng nuôi con cho người dân. Ảnh: TL |
Để giảm thiểu tỷ lệ trẻ em SDD, các cấp, chính quyền đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, giúp các em nâng cao thể chất, phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất của bộ phận đồng bào dân tộc vùng sâu, xa còn lạc hậu, thu nhập và đời sống của người dân trong tỉnh còn nhiều khó khăn, một số tập tục lạc hậu còn tồn tại, khó thay đổi nhất là các quan niệm về hôn nhân (tảo hôn, lấy chồng, vợ sớm), về sinh hoạt, ăn uống đã tác động trực tiếp đến tình trạng SDD ở trẻ em vùng miền núi vẫn còn cao. Theo số liệu từ cơ quan chuyên môn, trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD theo cân nặng chiếm 16,64%, trẻ em SDD theo chiều cao là 30,32%. Tình trạng trẻ em bị SDD tại các huyện miền núi, gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Xín Mần dù có giảm nhưng vẫn còn ở mức đáng lo ngại. Tại huyện Đồng Văn, đến giữa năm 2021, tỷ lệ trẻ SDD theo cân nặng 20,47% và thể thấp còi là 48,99%; Mèo Vạc, tỷ lệ này lần lượt là 21,87% và 49,03%; Yên Minh là 19,38% và 31,19%... Nguyên nhân là các bà mẹ vùng sâu, xa chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc con cái. Bên cạnh đó, nhiều gia đình khó khăn, lại sinh nhiều con nên không có điều kiện để chăm lo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Thời gian qua, các chính sách y tế, giáo dục dành cho vùng DTTS và miền núi đã có rất nhiều, như triển khai cho trẻ 6 đến 36 tháng tuổi uống Vitamin A 2 đợt/năm, bổ sung Vitamin A liều cao cho trẻ SDD, trẻ nguy cơ cao thiếu Vitamin A, mua thực phẩm điều trị ăn liền, thực phẩm bổ sung, phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi, dinh dưỡng học đường. Tại buổi uống Vitamin A, các cộng tác viên dinh dưỡng đã tổ chức hướng dẫn thực hành bữa ăn bổ sung cho trẻ bằng các loại thực phẩm sẵn có tại địa phương, phát tờ rơi và khám tư vấn cho bà mẹ mang thai về phòng, chống thiếu máu tại trạm y tế. Cùng với đó hoạt động truyền thông về phòng, chống SDD và phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Những hoạt động này được đẩy mạnh hơn vào các đợt chiến dịch như: Ngày vi chất dinh dưỡng, tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ, tuần lễ dinh dưỡng và phát triển… để từ đó người dân, nhất là các bà mẹ có thể chủ động phòng, chống SDD cho con.
Ngoài ra, hàng năm các cơ sở y tế thực hiện hai lần khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ bị SDD để điều trị kịp thời; tư vấn, hỗ trợ bà mẹ đưa trẻ đi khám và đi cân thường xuyên. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ tư vấn truyền thông về dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai tránh SDD từ trong bụng mẹ; phối hợp với các trường mầm non nhằm nâng cao bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ ở trường, thực hiện tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ, phòng, chống các bệnh theo mùa, hạn chế tình trạng trẻ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa...
Để hạ thấp tỷ lệ SDD trẻ em ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đòi hỏi các cấp, ngành cần quan tâm đến công tác giảm nghèo bền vững để cải thiện điều kiện kinh tế cho người dân và tăng cường kiến thức nuôi dạy trẻ cho phụ nữ. Cùng với đó, cần huy động nguồn lực xã hội để có thêm điều kiện hỗ trợ trẻ em SDD, góp phần nâng cao chất lượng DS, tạo nguồn lực vững mạnh cho đất nước.
KHÁNH HUYỀN
Ý kiến bạn đọc