Đồng Văn nhân rộng các điển hình tiên tiến trong bài trừ hủ tục
BHG - Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, huyện Đồng Văn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhờ triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhiều hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu đã dần được gỡ bỏ. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 27 trên địa bàn huyện thời gian qua thấy rõ, ngoài sự định hướng đúng đắn, sự vào cuộc kiên quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương còn có sự đóng góp tích cực của các cá nhân, tập thể trong bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.
Ông Hầu Súa Mỷ (ngoài bên phải), thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo - cá nhân tiêu biểu trong bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. |
Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã ghi nhận 29 dòng họ, 19 thôn, tổ dân phố và 26 cá nhân tiêu biểu trong xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, rườm rà, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân.
Phố Cáo là 1 trong những xã đi đầu trong bài trừ hủ tục, tích cực xây dựng nếp sống văn minh. Toàn xã có 12 dòng họ, trong đó có 5 dòng họ đi đầu trong bài trừ hủ tục, gồm: Dòng họ Hầu thôn Sủa Pả A, dòng họ Thào thôn Chúng Pả A, dòng họ Sùng thôn Sủa Pả B, dòng họ Lầu thôn Tráng Phúng B và dòng họ Ly thôn Sảng Pả. Thời gian qua, 5 dòng họ trên đã thực hiện tốt việc đưa người chết vào áo quan trong quá trình tổ chức tang lễ, các gia đình trong dòng họ thực hiện bài trừ các hủ tục như: Không mổ nhiều bò, không tổ chức tang lễ dài ngày, thực hiện ăn uống hợp vệ sinh. Đây cũng là 5 dòng họ được cấp ủy, chính quyền xã chọn làm điểm trong cam kết thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục của xã.
Ông Hầu Súa Mỷ, thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo chia sẻ: Cách đây rất nhiều năm, gia đình tôi và các gia đình trong dòng họ đã bắt đầu nhận thức được việc cần thiết phải tổ chức đám tang văn minh, cho người chết vào áo quan. Theo tôi như vậy sẽ phù hợp với cuộc sống hiện đại và giúp giữ gìn vệ sinh tốt hơn rất nhiều. Đến nay, dưới sự tuyên truyền, định hướng của cấp ủy, chính quyền xã, 100% các nhánh trong dòng họ Hầu của tôi đã đồng tình và thực hiện theo; dòng họ Hầu cũng được đánh giá là dòng họ tiêu biểu, đi đầu trong đưa người chết vào áo quan và thực hiện văn minh trong việc tang. Cá nhân tôi, nhiều năm nay luôn cùng với Hội nghệ nhân trong thôn, xã đi vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con, góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ hơn.
Dòng họ Vàng và Giàng là 2 dòng họ thực hiện văn minh trong việc tang, ngay từ rất sớm của xã Sà Phìn. Ông Vàng Chìa Sò, thôn Sà Phìn A, chia sẻ: Trước đây, mỗi đám tang mổ nhiều trâu, bò đã để lại nặng gánh nợ nần cho người sống. Đây là hủ tục ăn sâu vào nếp nghĩ của mỗi người Mông trên Cao nguyên đá. Tuy nhiên, đến nay, đám tang kéo dài nhiều nhất chỉ để 3 ngày, mổ 1 con bò, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, hạn chế tình trạng uống rượu, không xảy ra xích mích trong các đám tang, đám cưới,… Được nêu gương là cá nhân tiêu biểu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, tôi nhận thấy trách nhiệm của mình phải giúp nhiều người trong thôn, trong xã nhận thức đúng đắn, xóa bỏ hủ tục nghìn đời nay để phát triển. Tôi đã cùng với cán bộ Tổ Dân vận thôn đến từng hộ chưa thực hiện để vận động. Mong muốn một ngày không xa, bà con đều nhận thức được ý nghĩa của việc bài trừ các hủ tục và tiếp tục gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào.
Được biết, để nâng cao nhận thức cho người dân, huyện Đồng Văn đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền bằng loa không dây lưu động bằng 2 thứ tiếng đến các thôn, nhóm hộ; tuyên truyền trực quan bằng băng zôn; sản xuất tin, chuyên trang, chuyên mục, bài viết, phóng sự, trên báo, đài của tỉnh và trang thông tin của huyện. Tổ chức các hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo cấp xã, thị trấn, các ngành, các đồng chí Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ, thầy mo, thầy cúng và tổ trưởng Tổ Dân vận thôn, tổ dân phố. Tại cấp thôn, tổ dân phố tiếp tục tuyên truyền lồng ghép với các buổi sinh hoạt chi bộ và họp thôn để quán triệt đến từng đảng viên, gia đình.
Đồng chí Dương Ngọc Đức, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn cho biết: Thời gian qua đã ghi nhận nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh và Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy. Đây là lực lượng tiêu biểu, tiên phong trong việc xóa bỏ các hủ tục trên địa bàn. Huyện cũng kịp thời ghi nhận và biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu này. Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng nhân rộng các cá nhân, tập thể điển hình; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ này để họ và đội ngũ các nghệ nhân dân gian, thầy mo, thầy cúng chung tay với cấp ủy, chính quyền địa phương. Những kết quả đạt được trong việc xóa bỏ các hủ tục để xây dựng đời sống văn hóa mới chính là những bước tiến vững chắc trong xây dựng Nông thôn mới và từng bước giúp bà con nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc