Những người con ưu tú của Hà Giang yên nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn

17:54, 22/07/2022

BHG - Tháng 7, tháng cả nước có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2022). Chúng tôi có hành trình lên Nghĩa trang Trường Sơn – Di tích tâm linh đặc biệt nằm trên con đường Trường Sơn huyền thoại (nay là đường Hồ Chí Minh). Nơi đó tự hào có những người con của mảnh đất Hà Giang đã gửi tấm thân ngàn vàng cho đất nước.

Nhà tưởng niệm các Liệt sĩ tỉnh Hà Giang tại Nghĩa trang Trường Sơn.
Nhà tưởng niệm các Liệt sĩ tỉnh Hà Giang tại Nghĩa trang Trường Sơn.

Chiến tranh đã lùi vào ký ức, nhưng dấu ấn của cuộc chiến vẫn còn âm ỷ cháy trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Nghĩa trang Trường Sơn như một minh chứng sự bi tráng của những người con đất Việt, trong đó có những người con của tỉnh Hà Giang đã đặt vận mệnh của đất nước lên trên tất cả. Dọc hai bên đường đến nghĩa trang không còn là những hố bom loang lổ mà quân thù đã trút xuống, thay vào đó là những ngôi nhà san sát, những cánh rừng xanh tốt kéo dài tít tắp.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn có diện tích 39,6 ha, tọa lạc trên những vạt đồi bạt ngàn thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi quy tập 10.263 hài cốt các liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Tháng 10.1975, nghĩa trang bắt đầu được xây dựng và hoàn thành vào tháng 4.1977. Tuy nhiên, từ cuối năm 1974, những ngôi mộ liệt sĩ đầu tiên đã được quy tập về đây. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có hơn 20.000 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống trên tuyến đường Trường Sơn và hơn một nửa trong số đó vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Trong 10.263 hài cốt các liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn có 45 phần mộ liệt sĩ là những người con ưu tú của mảnh đất Hà Giang anh hùng.

Hà Giang là vùng đất địa đầu Tổ quốc và giàu truyền thống cách mạng. Sinh ra trong vùng đất ấy đã hun đúc cho những người con Hà Giang phẩm chất sáng ngời và anh dũng. Trong hàng nghìn năm lịch sử phát triển của đất nước, những người con Hà Giang đã thể hiện được tinh thần anh hùng, gan dạ trong những cuộc chiến tranh chống quân xâm lược. “Tinh thần vì Tổ quốc quên mình” luôn được những người con ưu tú của Hà Giang thể hiện bằng những chiến công chói lọi.

Thăm đồng đội đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn.
Thăm đồng đội đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn.

Chúng ta đang sống trong thời bình nhưng để đất nước được độc lập tự do như bây giờ, đã có biết bao liệt sĩ đã ra đi không trở về, có vô vàn những người lính khi trở về mang trong mình những vết thương khắp cơ thể. Máu của các thương binh, liệt sĩ đã đổ xuống, tô thắm cho những trang sử hào hùng của dân tộc. Khi đến với Nghĩa trang Trường Sơn, chúng ta luôn tự nhủ với lòng mình phải sống có trách nhiệm hơn với đất nước để không phụ lòng những người đã ngã xuống. Nghĩa trang Trường Sơn như một trường học lớn tôi luyện tinh thần yêu nước cho các thế hệ.

Đến với khu mộ các liệt sĩ quê Hà Giang đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn, ai cũng ngậm ngùi bởi đứng trước vong linh của những anh hùng đã ngã xuống, chúng ta cảm thấy đang nợ những người đã ngã xuống, nợ Tổ quốc một điều gì đó rất lớn lao. Các anh, các chị - những người con ưu tú của vùng đất Hà Giang cùng với những người đồng đội chung chí hướng từ khắp mọi miền đất nước đã tụ họp tại đây để lại bao nỗi tiếc thương cho gia đình, người thân và đồng đội.

Điều khiến ai cũng thắt lòng bởi những người con Hà Giang đã ngã xuống phần lớn chỉ mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi, nhiều người còn chưa có người yêu. Đó là những anh Bộ đội Cụ Hồ, những cô thanh niên xung phong tuổi đời đang phơi phới đã chia tay gia đình, người thân và bạn bè lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người đã không quay trở về mà mãi mãi yên giấc ngàn thu tại mảnh đất đầy cát trắng và gió Lào.

Ngày nào cũng vậy, tại khu mộ các liệt sĩ quê Hà Giang, những dòng người vẫn đến đây, con đi thắp cho cha nén hương, vợ đến tâm sự và bầu bạn với chồng, những người cùng đơn vị đến kể với bạn mình về chuyện mở đường năm xưa… Cái thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những người con mảnh đất Hà Giang chẳng hề màng đến khó khăn mà trong tim chỉ có Tổ quốc, chỉ có quyết tâm làm sao cho đường Trường Sơn luôn được thông suốt để cho xe bon bon chở bộ đội ra chiến trường. Tất cả lấy niềm vui khi thấy những đoàn xe nối đuôi nhau đi trên đường để khỏa lấp đi nổi nhớ nhà, nhớ người yêu. Đường Trường Sơn – con đường của một thời đỏ lửa đã chứng kiến những người con Hà Giang ngày đêm chinh chiến với quân thù trên con đường huyền thoại, con đường ấy đã hòa tan cùng với dòng máu nóng của các anh hùng khi bảo vệ từng mét đường.

Để con đường luôn được thông suốt, những anh Bộ đội Cụ Hồ, những cô thanh niên xung phong quê Hà Giang và đồng đội trên cả nước phải đào đường, lấp đường, san đường và chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của quân thù. Có những đoạn đường trọng yếu quân địch đánh tới tấp, chỉ vài người vượt qua cái chết, còn đa số những người còn lại phải gửi lại tấm thân dưới lòng đất mẹ Trường Sơn. Đến hôm nay, vẫn còn có những chiến sĩ trên đường Trường Sơn chưa tìm được hài cốt hoặc là những bộ hài cốt vô danh. Máu của chiến sĩ Hà Giang nói riêng và đồng bào cả nước nói chung đã đổ xuống, tô thắm cho trang sử vẻ vang của dân tộc để làm nên đường Trường Sơn huyền thoại (đường Hồ Chí Minh) xanh ngời và kéo dài từ Bắc chí Nam như hôm nay.

Tên tuổi của các liệt sĩ Hà Giang sẽ được các thế hệ sau ghi lòng tạc dạ. Điều chúng tôi nhớ mãi khi đến đây là những ngôi sao vàng được gắn lên những “ngôi nhà” nơi các anh, các chị yên nghỉ. Dù ngày hay đêm, những ngôi sao đó vẫn lấp lánh. Những ngôi sao không bao giờ tắt trong lòng người dân Việt Nam, những ngôi sao sáng mãi trên con đường Trường Sơn.

Cái nắng gay gắt của mùa Hè Quảng Trị đã dần dịu đi, buổi chiều trên con đường Hồ Chí Minh, những chuyến xe ra Bắc vào Nam vẫn nhộn nhịp. Chúng tôi quay về mà trong lòng vẫn liên tưởng đến con đường Trường Sơn một thời khói lửa. Con đường huyền thoại đã ghi dấu ấn của những con người huyền thoại, những người bất tử trong lòng người dân đất Việt.

Bài, ảnh: Lê Khắc Niên (Thừa Thiên Huế)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lặng thầm công việc quản trang
BHG - Đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên những ngày tháng 7, ai cũng cảm nhận được không khí linh thiêng và xúc động. Để các cựu chiến binh (CCB), thân nhân liệt sĩ và du khách tới thăm viếng được chu toàn, những cán bộ, nhân viên của Tổ quản lý nghĩa trang luôn cần mẫn không quản ngày đêm, thầm lặng thực hiện công việc được giao.
22/07/2022
Toàn tỉnh thiệt hại trên 2,3 tỷ đồng do thiên tai
BHG - Chiều 21.7 trên địa bàn toàn tỉnh có mưa rào kèm theo dông lốc đã gây ra nhiều thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân, trong đó bị thiệt hại nhiều nhất tại các huyện Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì... Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, thống kê tính đến đầu giờ chiều nay (22.7), toàn tỉnh có 79 ngôi nhà thiệt hại do bị tốc mái từ 10 – 90%, 1 ngôi nhà phải di rời khẩn cấp; có 1.303 m2 đất ruộng tại Hoàng Su Phì bị vùi lấp
22/07/2022
Bắc Quang: Cần giải quyết dứt điểm kiến nghị của bà Lộc Thị Chi về việc cấp đất tái định cư
BHG - Khoảng 10 năm nay, bà Lộc Thị Chi, thôn Xuân Hòa, xã Tân Quang (Bắc Quang) nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Bắc Quang, kiến nghị việc gia đình bà được cấp đất tái định cư khi thu hồi đất để làm chợ đầu mối xã Tân Quang, nhưng so sánh giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) với thực địa không đúng vị trí, thiếu diện tích, chồng chéo với các hộ dân khác. Đến nay, gia đình bà vẫn không biết đâu là vị trí đất của mình đã được cấp và không thể sử dụng vào bất kỳ mục đích gì.
22/07/2022
Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học từ hôm nay

Từ 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến với số lần không giới hạn.


22/07/2022
những mẫu lăng mộ đẹp hiện nay