Không để dịch bệnh mùa Hè lây lan trên đàn vật nuôi
BHG - Mùa Hè thời tiết nắng nóng, mưa nhiều nên rất thuận lợi cho nhiều loại vi rút gây bệnh trên gia súc, gia cầm phát triển. Nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan, tỉnh ta triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đàn vật nuôi.
Phun khử trùng tiêu độc chuồng nuôi lợn tại phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang). |
Những bệnh thường xuất hiện trên đàn vật nuôi trong mùa Hè, như: Trâu, bò dễ bị nhiễm bệnh viêm phổi, Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, trướng bụng đầy hơi; lợn mắc bệnh Tai xanh, tả lợn châu Phi, tiêu chảy, Ecoli; chó, mèo hay mắc bệnh dại; gà, vịt, ngan, ngỗng hay mắc bệnh Gumboro, Newcastle, cúm, H5N1, tiêu chảy…
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phun khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi 8.104 lít hóa chất và 6.500 kg vôi bột. Tiêm phòng được 594.014 lượt gia súc, gia cầm; trong đó, bệnh Nhiệt thán 65.057 con, Tụ huyết trùng trâu, bò 177.677 con, Viêm da nổi cục 12.294 con, Tụ huyết trùng lợn 58.935 con, dịch tả lợn 141.309 con, dại chó, mèo 5.962 con, gia cầm 23.460 con… Các địa phương trong tỉnh hiện đang tiếp tục triển khai tiêm phòng cho gia cầm. Kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh được 178 chuyến, số lượng 9.217 con gia súc; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y 12.844 con gia súc…
Cán bộ thú y lấy mẫu giám sát cúm gia cầm tại chợ thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên). |
Đồng chí Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Chi cục đã tuyên truyền, phổ biến những kiến thức nâng cao công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho hộ chăn nuôi; mở các lớp tập huấn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh cho người chăn nuôi. Tổng hợp số lượng vật nuôi trong diện tiêm phòng, thành lập các đội tiêm phòng vắc xin ở cơ sở, bảo đảm tiêm đúng, đủ, với thời gian nhanh nhất.
Cán bộ thú y xã Phố Cáo (Đồng Văn) tiêm vắc xin phòng dại cho vật |
Cũng theo đồng chí Trịnh Văn Bình, nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, hộ chăn nuôi, chính quyền địa phương cần kết hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, để triển khai tiêm phòng. Đồng thời, vật nuôi khi nhập đàn mới cần cách ly, theo dõi và tiến hành tiêm phòng đúng quy trình, tăng cường các biện pháp vệ sinh, khử trùng, sát khuẩn chuồng nuôi, sử dụng đệm lót sinh học, giảm ô nhiễm môi trường. Người chăn nuôi cần chủ động chăm sóc, nuôi dưỡng, bổ sung các chất dinh dưỡng, khoáng, vitamin, che chắn chuồng trại. Thường xuyên kiểm tra tình trạng của vật nuôi, cách ly kịp thời những con có biểu hiện khác thường, chẩn đoàn và điều trị ngay khi có dấu hiệu, triệu chứng của dịch bệnh. Không được bán, phát tán, sử dụng thức ăn thừa của vật nuôi nhiễm bệnh cho vật nuôi khỏe mạnh khác…
Bài, ảnh: THÁI KHANG
Ý kiến bạn đọc