Hoàng Su Phì tăng cường công tác dân vận trong bài trừ hủ tục
BHG - Thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì đặc biệt chú trọng công tác dân vận với các hoạt động tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, hướng trọng tâm về cơ sở.
Thi văn nghệ cổ động tại Hội thi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. |
Với 12 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống riêng biệt, tạo cho Hoàng Su Phì một nền văn hóa độc đáo, phong phú. Tuy nhiên, bên cạnh những nét văn hóa tốt đẹp cần được bảo tồn, phát huy, trong đời sống đồng bào vẫn còn tồn tại một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, như: Tục thách cưới cao, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mê tín dị đoan, cúng bái khi ốm đau... tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến lao động, sản xuất, gây tốn kém, lãng phí, mất an ninh trật tự.
Đồng chí Lù Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoàng Su Phì cho biết: Triển khai thực hiện Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc năm 2022. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác dân vận, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Chỉ đạo các ngành, địa phương thành lập các tổ công tác trực tiếp đi khảo sát phong tục, tập quán của từng dân tộc. Tuyên truyền, vận động bà con nói không với nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ mê tín, dị đoan, thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển KT-XH; chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí.
Huyện đã thành lập 4 tổ công tác, trực tiếp làm việc với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, đại diện các thôn, tổ dân phố, hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín nhằm khảo sát, nắm bắt cụ thể các phong tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đời sống sinh hoạt của các dân tộc. Từ đó, thống nhất phong tục, tập quán nào cần cắt giảm, cải tiến, khắc phục; phong tục nào tốt đẹp cần gìn giữ, phát huy.
Đồng chí Phùng Quang Dũng, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết: Xác định rõ vai trò của công tác dân vận trong bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, Ban Dân vận Huyện ủy đã chủ động tham mưu cho Thường trực, BTV Huyện ủy kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể theo từng quý, năm, giai đoạn. Đồng thời, duy trì và nhân rộng các mô hình Dân vận khéo gắn với thực hiện các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hình thức họp thôn, tổ chức gặp mặt, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kết hợp với tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, giúp người dân dễ tiếp cận, tiếp thu. Đống thời yêu cầu các địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trọng tâm đưa vào hương ước, quy ước tại cơ sở nhằm xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu.
Đặc biệt, huyện rất chú trọng tuyên truyền, vận động thông qua hình thức truyền thông sân khấu hóa, có sự tham gia của cộng đồng, người dân. Vừa qua, huyện đã tổ chức thành công Hội thi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc với sự tham gia của 24 xã, thị trấn. Đây là hình thức tuyên truyền sống động, tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân về hệ lụy của các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
Để Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống, thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng làm công tác tuyên truyền ở cơ sở trong việc đưa chủ trương, nghị quyết đến với đồng bào, để đồng bào tin và ra sức thực hiện.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc