Hiến máu tình nguyện – việc làm dễ mà khó
BHG - “Hiến máu cứu người - một nghĩa cử cao đẹp”, hay “Hiến giọt máu đào – trao đời sự sống” là những khẩu hiệu, thông điệp để vận động mọi người tham gia hiến máu vì người bệnh, vì tính mạng của những người đang cần máu, đồng thời khẳng định giá trị nhân văn khi tham gia hiến máu của mỗi người.
Tình nguyện viên tham gia hiến máu. ảnh: ĐT |
Tại Hà Giang, nhiều năm gần đây dù có lúc do thiên tai, dịch bệnh, máu trở nên khan hiếm, nhưng chưa có bệnh nhân nào nguy kịch hơn vì thiếu máu. Hiến máu đã ngày một trở thành phong trào rộng khắp trong cộng đồng, trong cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, lực lượng Công an.
Nhìn lại 5 năm trước, mỗi năm, Hà Giang chỉ vận động được 1.200 đến 2.000 đơn vị máu, các cuộc hiến máu chỉ diễn ra nhỏ lẻ với tối đa 100 người tham gia. Việc vận động hiến máu vô cùng khó khăn, có nhiều người chưa hiểu nên lo lắng sau khi hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe; nhiều lãnh đạo các cơ quan thờ ơ, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, vận động cán bộ tham gia hiến máu. Mỗi khi có chỉ tiêu vận động hiến máu, nhiều cơ quan, đơn vị cho rằng, không được giao chỉ tiêu, họ chưa hiểu đó là chỉ tiêu vận động, là con số để xác định kết quả hiến máu của mỗi đơn vị, góp chung vào kết quả của tỉnh. Khi các chương trình hiến máu diễn ra, đoàn thanh niên được giao tham gia chủ yếu, trong khi nhiều cơ quan, đoàn viên, thanh niên ít.
Tình nguyện viên tham gia hiến máu |
Từ năm 2017 đến nay, do có sự thay đổi về công tác tuyên truyền, vận động, các chương trình hiến máu đã có sự thay đổi rõ rệt. Sự kiện “Giọt hồng trên miền đá” dịp mùng 7.4 và “Giọt hồng mùa hoa Tam giác mạch” dịp 23.11 được tổ chức thường niên tại sân Quảng trường 26/3, đã thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia. Nhiều tình nguyện viên chưa từng tham gia hiến máu, thấy tò mò mà tham gia, sau đó hiểu hơn về nghĩa cử cao đẹp khi tham gia hiến máu nên đã hiến thường xuyên. Nhiều bạn trong Câu lạc bộ ngân hàng máu sống đã không quản ngại mưa nắng, tích cực tham gia công tác tuyên truyền, đến tận cơ quan, đơn vị, trường học, các huyện vận động thành lập Câu lạc bộ ngân hàng máu, tuyên truyền về tác dụng của việc hiến máu đối với sức khỏe con người; nấu xôi, cháo, phục vụ các sự kiện hiến máu.
Đến năm 2021, số máu mỗi năm vận động tiếp nhận được đạt trên 3.500 đơn vị. Các sự kiện hiến máu thu hút hàng nghìn người tham gia, tiếp nhận từ 500 đến 700 đơn vị máu mỗi cuộc. Hiến máu không khó, chỉ cần mỗi lần người bệnh cần máu, người đủ điều kiện sức khỏe đều có thể dễ dàng hiến máu. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đưa tay hiến máu. Vì thế, hiến máu là việc làm dễ mà trở thành khó. Khó ở sự nhiệt tình, thấu hiểu, ở sự chia sẻ, yêu thương chưa được thông suốt. Khó khi các nhà quản lý chưa vào cuộc để động viên, khích lệ phong trào. Hiểu được cái khó trong vận động tham gia hiến máu, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động nhiều đồng chí lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành tham gia hiến máu để thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức. Những hình ảnh đồng chí Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ, Cục trưởng Cục Thống kê, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường; Bí thư Huyện ủy Bắc Mê; Mèo Vạc, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên… tham gia hiến máu đã trở thành hình ảnh đẹp, là thông điệp sinh động về hiến máu cứu người, về bình thường hóa một việc làm dễ.
Đặc biệt trong những năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19, nhiều nơi bị phong tỏa, việc vận động hiến máu khó khăn bội phần. Tuy nhiên với cách vận động từng đơn vị đến hiến tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tránh tiếp xúc đông người, Hội Chữ thập đỏ đã giúp Bệnh viện đảm bảo nguồn máu dùng cho cấp cứu.
5 năm với kết quả trên 16.000 đơn vị máu, là sự thay đổi lớn về tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cộng đồng đối với phong trào hiến máu tình nguyện. Với kết quả như vậy, phong trào hiến máu sẽ đi vào nề nếp, ngành y tế không còn lo lắng về máu trong cấp cứu và điều trị. Hiến máu tình nguyện không còn là việc làm dễ mà khó.
Phạm Thị Tân (Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh)
Ý kiến bạn đọc