Những thách thức trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước ảnh hưởng của dịch Covid-19

15:22, 24/04/2022

BHG - Trong những đối tượng xã hội chịu sự tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, trẻ em là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất. Đặc biệt với Hà Giang, điều kiện phát triển kinh tế xã hội còn hạn chế, mức sống của người dân còn thấp, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn thì sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm tổn hại sâu sắc tới đối tượng này.

Các em học sinh xã Thuận Hòa chuẩn bị xét nghiệm Covid-19
Các em học sinh xã Thuận Hòa chuẩn bị xét nghiệm Covid-19

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 22.000 trẻ em bị nhiễm Covid-19 và hàng chục nghìn trẻ em bị tác động từ dịch bệnh này. Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều giải pháp hỗ trợ chăm sóc trẻ em, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em như hỗ trợ khẩu trang, nhu yếu phẩm, vận động các tổ chức chính trị - xã hội giúp đỡ trẻ em tại cơ sở... Tuy nhiên, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời điểm dịch bệnh cũng gặp nhiều thách thức không nhỏ.

Trước tiên, có thể thấy khó khăn về nguồn lực đầu tư cho công tác chăm sóc trẻ em bị nhiễm Covid -19 và bị tác động bởi dịch bệnh này. Do Hà Giang là tỉnh nghèo, các hoạt động sản xuất kinh tế còn hạn chế, dân cư sống rải rác, mức sống còn chênh lệch giữa vùng thấp với vùng cao, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, ngân sách của tỉnh chủ yếu từ hỗ trợ của Trung ương, vì vậy khi dịch bệnh bùng phát mọi nguồn lực phải dồn cho công tác phòng chống dịch. Mặt khác, việc cách ly, giãn cách xã hội làm cho các hoạt động sản xuất kinh tế, trao đổi hàng hóa bị đình trệ, tác động gián tiếp đến nguồn lực đầu tư cho công tác chăm sóc trẻ em khi người nuôi dưỡng bị mất nguồn thu nhập. Các nguồn vận động xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh cũng không triển khai được do việc hạn chế đi lại cũng như giãn cách xã hội đã không thể hỗ trợ trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng xa cần được trợ giúp.
Thứ hai, khó khăn trong hỗ trợ trẻ em thích ứng với cuộc sống có dịch bệnh Covid-19. Trong thực tế, để phòng chống dịch, trẻ hầu như không được ra khỏi nhà, không được gặp các bạn, anh chị em họ hàng cùng lứa tuổi, không được đến nhà bạn bè, người thân, không được tham gia các môn thể thao ưa thích. Mặt khác, những hiểu biết về biểu hiện và tác động gây bệnh của từng biến thể Covid-19 đối với trẻ nhỏ chưa rõ, trình độ nhận thức của người nuôi dưỡng chưa cao dẫn tới có nhiều trẻ em gặp khó khăn về mặt thể chất và tinh thần trong thời điểm dịch. Do đó, sẽ có nhiều trẻ em thụ động, lo âu, sợ hãi dịch bệnh, thậm chí "khủng hoảng" khi chưa quen sinh hoạt, học tập và thực hiện các mục tiêu cá nhân trong điều kiện có dịch bệnh.

Thứ ba, khó khăn trong xây dựng môi trường rèn luyện và giáo dục trẻ em. Do điều kiện dịch bệnh, trẻ em phải học trực tuyến khá nhiều. Tính trong năm học 2021 - 2022, có đến 1/3 thời gian học sinh phải nghỉ hoặc học ở nhà, dẫn tới hổng kiến thức và thiếu môi trường rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội. Mặt khác, phần lớn gia đình thiếu phòng học riêng, thiếu thiết bị như máy tính, máy tính bảng dẫn tới nhiều em không tham gia đầy đủ các nội dung học. Trong khi đó, toàn tỉnh có 28 thôn chưa có mạng viễn thông và nhiều xóm chưa có điện lưới dẫn tới trẻ em tại các khu vực này không thể tham gia học tập. Hệ thống giáo dục của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; các thiết chế văn hóa cộng đồng cũng còn nghèo nàn, thiếu sân chơi cho học sinh; việc ứng phó, điều hành hoạt động dạy và học chưa thực sự linh hoạt dẫn tới chưa hỗ trợ kịp thời cho trẻ em học trực tuyến.
Cuối cùng là thách thức trong hỗ trợ trẻ mồ côi, trẻ không người nuôi dưỡng, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 3.000 trẻ mồ côi không người nuôi dưỡng và khoảng trên 10.000 trẻ em có điều kiện sống, sinh hoạt học tập ở mức tối thiểu. Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các đối tượng này được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ như: Mô hình "Con nuôi Biên phòng" và chương trình Nâng bước em đến trường do Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện với 120 cháu; mô hình "Con nuôi Công an" với 55 cháu thuộc 35 xã, thị trấn/9 huyện; đỡ đầu của các tổ chức, cá nhân nhận nuôi dưỡng hàng tháng đến năm 18 tuổi được 9 cháu; 858 trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các cơ quan, đơn vị tập trung nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh nên việc hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em mô côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hạn chế hơn so với giai đoạn trước.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em thích ứng với dịch bệnh Covid-19 và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các em, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm đến một số giải pháp như: Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, giải pháp chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bảo đảm đúng quy định của pháp luật; đặc biệt chú trọng việc chăm sóc trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về biện pháp phòng ngừa những tác động tiêu cực từ dịch bệnh; chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em; tăng cường truyền thông để phát huy vai trò xã hội và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm phòng vacxin cho trẻ em với tinh thần nhanh nhất, sớm nhất và đảm bảo an toàn.
Kịp thời củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em; tăng cường vận động nguồn lực phục vụ các hoạt động chăm lo cho trẻ và trẻ mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các cơ quan chuyên môn kịp thời nắm bắt sức khỏe tâm lý của trẻ em, phát huy hiệu quả hoạt động của phòng tư vấn học đường, đặc biệt trong việc phát hiện, tư vấn, hỗ trợ sức khỏe tâm lý cho học sinh; hướng dẫn gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ bảo đảm an toàn, hiệu quả khi học trực tuyến và trực tiếp.
Tiếp tục nâng cao công tác xã hội hóa chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt là thu hút vai trò của doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn, tổn thương trong dịch bệnh.

Lương Nghĩa (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phương Độ phát động làm đường gắn với bảo tồn vùng chè Shan tuyết cổ thụ
BHG - Sáng 23.4, tại thôn Lùng Vài, xã Phương Độ (TP. Hà Giang), UBND xã Phương Độ đã tổ chức lễ ra quân làm đường nông thôn mới gắn với bảo tồn và phát huy giá trị cây chè Shan tuyết cổ thụ. Dự buổi lễ có lãnh đạo thành phố; đoàn viên Ban Chỉ huy quân sự, Biên phòng, Công an tỉnh; cán bộ, đoàn viên thanh niên và nhân dân thôn Lùng Vài.
23/04/2022
Hội thảo Thanh niên Đồng Văn với công tác bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh
BHG - Sáng 22.4, Ban Dân vận Huyện ủy và Huyện đoàn Đồng Văn phối hợp tổ chức Hội thảo Thanh niên Đồng Văn với công tác bài trừ hủ tục lạc hậu (HTLH), xây dựng nếp sống văn minh. Tham dự có đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn và 200 đại biểu là đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) và nghệ nhân dân gian tiêu biểu trên địa bàn huyện.
22/04/2022
Hạn chế phương tiện giao thông phục vụ Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2022
BHG - Thực hiện chỉ đạo của Ban Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh Hà Giang, mới đây, Sở Giao thông Vận tải thông báo hạn chế một số phương tiện giao thông tham gia giao thông trên một số tuyến đường để phục vụ Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai tỉnh Hà Giang năm 2022 và đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
21/04/2022
Đồng Văn bài trừ hủ tục, phong tục lạc hậu
BHG - Ngày 10.5.2021, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ hủ tục, lạc hậu (HTLH) ở đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Sau gần 1 năm thực hiện, huyện Đồng Văn đang là điểm sáng với những cách làm hay và hiệu quả.
21/04/2022