ActionAid góp phần giảm nghèo tại Quản Bạ
BHG - Là tổ chức phi chính phủ, hoạt động tại tỉnh ta hơn 20 năm, ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ trẻ em và phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận giáo dục, tạo sinh kế; tạo những dấu ấn tại huyện cửa ngõ Cao nguyên đá, góp phần tích cực vào an sinh xã hội và phát triển bền vững tại địa phương.
Phụ nữ dân tộc Dao tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ làm sản phẩm du lịch. |
Quản Bạ là huyện biên giới của tỉnh, 5 xã, 21 thôn giáp biên, có 9 xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ đói, nghèo trên 60%, với 18 dân tộc sinh sống. Tại huyện Quản Bạ, ActionAid bắt đầu chương trình đầu tiên vào năm 2006, 16 năm qua, các chương trình giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển sinh kế cho phụ nữ, tiếp cận giáo dục chất lượng cho trẻ em và xóa mù chữ cho người lớn, đảm bảo tiếp cận nước sạch, xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) đã hỗ góp phần tích cực đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con tại Quản Bạ. Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Trưởng Ban Quản Lý AAV Sèn Thăng Long, cho biết: “Các hoạt động được triển khai trên địa bàn đều là những hoạt động thiết thực và được lập theo nhu cầu của cộng đồng. Kết quả của từng hoạt động đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí và phát triển KT-XH tại địa phương”.
Tổ chức ActionAid hỗ trợ kinh phí làm cầu dân sinh thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài. |
AAV đã chọn địa bàn hoạt động tại các xã Quản Bạ, Đông Hà, Cán Tỷ, Tùng Vài, Thái An và thị trấn Tam Sơn. Theo đó, giai đoạn 2006 – 2011 các dự án tập trung vào 3 mục tiêu chính là quyền giáo dục, quyền phụ nữ và trẻ em gái, các hoạt động hướng vào trẻ em. Bằng sự tài trợ của AAV huyện đã thành lập và duy trì được 6 trung tâm học tập cộng đồng, 25 câu lạc bộ với 523 hội viên, hỗ trợ hơn 400 triệu đồng vốn quay vòng. Tập huấn nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái thu hút được hơn 400 lượt người tham gia. Tổ chức hội thi, hoạt động vui chơi lồng ghép hỗ trợ vở viết, trang phục, giày dép, mũ, găng tay, đồ dùng sinh hoạt bán trú... cho trên 2.000 học sinh nghèo thuộc các xã trong vùng dự án được hưởng lợi.
Giai đoạn 2012 – 2017 các chương trình tập trung vào 5 chủ đề là thúc đẩy các giải pháp sinh kế thay thế và nông nghiệp bền vững; nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường lãnh đạo trẻ và tín nhiệm xã hội dân sự; thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận giáo dục cho trẻ em; ứng phó với tác động của thiên tai và BĐKH bằng phương pháp lấy con người làm trung tâm. Theo đó, đã hỗ trợ 3 mô hình chăn nuôi dê, cá lồng, gà xương đen. Tổ chức hoạt động ngoại khóa trong trường học, các hoạt động truyền thông ngoài cộng đồng về quyền trẻ em, phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH cho học sinh các trường tiểu học, THCS. Thực hiện nâng cao năng lực cho cộng đồng về các kỹ năng mềm, kỹ thuật thêu hoa văn; du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe giới tính, vị thành niên... với hơn 32.600 lượt người tham gia. Hỗ trợ xây dựng 2 công trình vườn rau dinh dưỡng, 6 công trình thư viện xanh; hỗ trợ làm 2 sân chơi, 2 công trình tu sửa lớp học, nhà ăn cho học sinh bán trú, xây dựng 3 nhà văn hóa thôn, 1 cầu dân sinh. Hỗ trợ chăn chiếu, đệm, áo ấm, khay cơm, nồi cơm điện, máy lọc nước, giường tầng... cho học sinh bán trú và học sinh mầm non; trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn với trên 15.000 lượt người được hưởng lợi. Mở 5 lớp học chữ Dao và chữ Mông với hơn 150 học viên tham gia...
Từ năm 2018 đến nay, AAV tập trung vào hỗ trợ 3 nội dung chính, gồm: Hỗ trợ hành động của người dân cải thiện sinh kế, thích ứng với thiên tai, BĐKH và xây dựng cộng đồng an toàn; thúc đẩy thực hiện dân chủ cơ sở để tăng cường quyền tiếp cận dịch vụ công có tính nhạy cảm giới của người dân; nâng cao năng lực cho đối tác, cộng đồng, tổ chức góp phần thay đổi xã hội thông qua cung cấp tri thức, kỹ năng thực hành. Qua đó đã thành lập 2 hợp tác xã (HTX) dịch vụ du lịch cộng đồng Quản Bạ (Quanba taigoo) và HTX lanh Cán Tỷ. Tổ chức sự kiện truyền thông, hội thi về du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, chiến dịch trường học không rác thải nhựa; cộng đồng an toàn và phòng, chống thiên tai. Hỗ trợ máy lọc nước cho trường học; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 523 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ khẩn cấp thiên tai cho 36 hộ dân về con giống; hỗ trợ 10 hộ dân vật liệu tu sửa nhà và đồ dùng đồ chơi cho 2 trường mầm non; hỗ trợ tu sửa nâng cấp địa điểm trụ sở HTX du lịch cộng đồng Nặm Đăm; 2 công trình xây dựng và sửa chữa nhà lớp học; 1 cầu dân sinh, với hơn 4.200 lượt người được hưởng lợi.
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện AAV tại Việt Nam, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế có các lựa chọn đa dạng sinh kế và thu nhập, nâng cao năng lực giúp từng bước thoát nghèo một cách bền vững. Góp phần thay đổi một bước đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giúp tăng khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng hơn cho trẻ em và cộng đồng. Các hoạt động được lựa chọn dựa vào nhu cầu và khảo sát cụ thể tại cộng đồng, các hoạt động được thực hiện theo chuỗi giá trị, kết hợp tổ chức nhiều hoạt động tập huấn cho cán bộ và người dân tại địa phương. Nhờ vậy, cán bộ các cấp, các ban, ngành liên quan tại địa phương có đủ năng lực để tự duy trì và phát triển các hoạt động tương tự”. Bằng nhiều hoạt động cụ thể, AAV đang nỗ lực giúp đỡ những đối tượng yếu thế có cuộc sống tốt hơn thông qua giáo dục và hỗ trợ sinh kế, góp phần vào phát triển KT-XH tại địa phương mà dự án hướng tới.
Bài, ảnh: VIỆT TÚ
Ý kiến bạn đọc