Tập trung nguồn lực đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn
BHG - Với mục tiêu nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt (NSH) hợp vệ sinh năm 2022 lên 90,7%, Trung tâm NSH và vệ sinh môi trường nông thôn đang phối hợp với các địa phương tập trung lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, kiểm đếm bền vững các công trình cấp NSH tập trung, quyết tâm mang nước sạch về những bản làng xa xôi, khó khăn nhất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Cán bộ Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn kiểm tra công trình cấp nước sinh hoạt trung tâm xã Ngọc Linh (Vị Xuyên). |
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 745.368 dân cư nông thôn, trong đó có 657.405 người được sử dụng NSH hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 88,2%. Năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Chương trình phát triển KT - XH giai đoạn 2021 - 2025. Với nhiều chương trình, dự án liên quan đến nước sạch của T.Ư, của tỉnh sẽ được khơi thông nguồn vốn và triển khai thực hiện như: Kế hoạch số 50/KH-UBND của UBND tỉnh sửa chữa các công trình hồ chứa nước sinh hoạt 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc; Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả” vốn vay Ngân hàng Thế giới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt; Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc – Tiểu dự án tỉnh Hà Giang; nguồn vốn theo Kế hoạch Đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 cho cấp NSH nông thôn theo Nghị Quyết 20 của HĐND tỉnh; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và các chương trình, dự án thực hiện cùng nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, ngành tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp NSH.
Người dân xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) sử dụng nước sạch được đấu nối tận nhà. |
Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” là một trong những chương trình nước sạch mang lại hiệu quả rõ nét với tổng số 45 công trình cấp NSH tập trung được đầu tư, xây dựng, bàn giao và đưa vào sử dụng. Theo lãnh đạo Trung tâm NSH và vệ sinh môi trường nông thôn, để hoàn thành mục tiêu tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng NSH hợp vệ sinh tăng thêm 2,5%, tương đương với 29.105 người, ít nhất 60 lít/người/ngày đêm; Trung tâm đang hoàn thành các công trình, dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thi công hoàn thành các công trình theo đúng tiến độ; phối hợp với nhà thầu lập hồ sơ quyết toán các công trình đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng; tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo dưỡng, sửa chữa công trình sau đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý nguồn nước, trữ nước các công trình hệ tự chảy, hồ treo và các giếng nước, bể chứa nước của hộ gia đình nông thôn; hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng quy định thu phí đối với các hộ hưởng lợi để đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động của công trình.
Thực tế, theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh, một số công trình cấp NSH sau khi bàn giao, đưa vào sử dụng đã bộc lộ nhiều hạn chế và không phát huy hiệu quả, tình trạng bỏ hoang, hư hỏng, thiếu nguồn nước dẫn đến một số hộ dân vẫn “khát nước” bên các công trình cấp nước, gây lãng phí đầu tư. Để khắc phục hạn chế này, UBND tỉnh yêu cầu các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình cấp nước trong và sau đầu tư; các địa phương rà soát, bố trí nguồn ngân sách theo phân cấp để nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục đầu tư để triển khai thi công, đảm bảo tiến độ thi công dự án theo quy định; nâng cao vai trò, trách nhiệm giám sát cộng đồng trong quá trình dự án triển khai xây dựng; tiếp nhận công trình, khai thác, quản lý, vận hành hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nước sạch đối với cuộc sống; sử dụng nước tiết kiệm; vệ sinh môi trường, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nước sạch ở địa phương...
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc