Phát huy vai trò người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Giai đoạn từ 2011 đến nay, UBND tỉnh phê duyệt hơn 19.500 lượt Người có uy tín (NCUT) thuộc 16 dân tộc. Đây được xem là lực lượng quần chúng đặc biệt, có ảnh hưởng sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành cầu nối quan trọng gắn kết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Ông Sùng Dình Páo (trái), người có uy tín thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) vận động con cháu nuôi bò hàng hóa. Ảnh TƯ LIỆU |
Hơn 10 năm qua, tỉnh ta thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho NCUT với tổng nguồn kinh phí trên 33,8 tỷ đồng. Trong đó tổ chức 115 lớp tập huấn kiến thức cho hơn 6.600 lượt NCUT tham dự; đưa 27 đoàn với 692 lượt đại biểu NCUT đi báo công với lãnh đạo Đảng và Nhà nước và tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình phát triển KT - XH trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, NCUT thường xuyên được cấp phát miễn phí Báo Hà Giang, Báo Dân tộc và Phát triển; được thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ vật chất và động viên về tinh thần nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết đồng bào dân tộc thiểu số…
Từ việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho NCUT đã tạo tiền đề, động lực quan trọng giúp lực lượng NCUT trên địa bàn tỉnh phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. NCUT luôn được các cấp, ngành quan tâm mời tham gia các cuộc họp đoàn thể, giao ban để nắm rõ hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, qua đó nâng cao vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân ở thôn, bản. Bằng uy tín và nắm chắc thực tiễn địa phương, cùng ngôn ngữ và phong tục tập quán, họ đã chủ động làm tốt trong công tác tuyên truyền giáo dục bắt đầu từ con cháu trong gia đình đến dòng họ, thôn, bản. Nhiều NCUT nguyên là cán bộ lãnh đạo, công chức các cấp về hưu đã tư vấn cho cấp ủy, chính quyền cơ sở những kinh nghiệm hay trong chỉ đạo, điều hành, nhờ đó nhiều chương trình giảm nghèo cho vùng đặc biệt khó khăn phát huy được hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, nhiều NCUT không chỉ là tấm gương sáng, gương điển hình cho cộng đồng học tập mà họ làm tốt vai trò động viên con cháu, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng đó, lực lượng NCUT tích cực tham gia phong trào chung sức xây dựng Nông thôn mới (NTM), tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi. Cũng nhờ đó, bức tranh NTM trên địa bàn tỉnh ngày càng có thêm nhiều gam màu tươi sáng. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao, 69 thôn được công nhận thôn NTM.
Song song với đó, đội ngũ NCUT cũng có nhiều đóng góp tích cực trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào, nghiêm chỉnh chấp hành những quy định trong qui ước, hương ước thôn bản, vận động cộng đồng xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình, làng văn hóa, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp và các văn hóa truyền thống của dân tộc, xóa bỏ những hủ tục trong việc cưới, việc tang, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Trong phát triển và khôi phục ngành nghề truyền thống, NCUT là người “giữ lửa” đối với việc bảo tồn, phát triển các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn… Những NCUT cao tuổi còn tham gia phong trào “Ông bà mẫu mực”, “con cháu thảo hiền”. Nhiều NCUT tham gia làm hội viên “Hội nghệ nhân dân gian”, phát huy vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống. Cùng với những hoạt động trên, lực lượng NCUT còn rất quan tâm và tham gia nhiệt tình công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, tham gia xây hệ thống chính trị cơ sở, khối đại đoàn kết dân tộc; giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội…
Có thể khẳng định, NCUT có vai trò rất quan trọng trong các hoạt động của đời sống xã hội, nhất là vai trò “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Ghi nhận những thành tích này, nhiều năm qua, đội ngũ NCUT trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý. Riêng trong giai đoạn từ 2018 đến nay, toàn tỉnh có 4 cá nhân là “Nghệ nhân ưu tú” được Chủ tịch nước tặng Bằng khen, 2 cá nhân được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen và nhiều cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc