Nỗ lực cho chiến lược quốc gia về bình đẳng giới
BHG - Ngày 3.3.2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Ngay sau đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia thụ hưởng, bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hưởng ứng tuần lễ áo dài. |
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, giai đoạn 2011- 2020, tỉnh ta đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND, số lượng các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ tăng dần qua các nhiệm kỳ; tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt 36,0%, nữ tiến sĩ đạt 30,4%; phụ nữ trong độ tuổi 15 tuổi đến 60 tuổi ở vùng sâu, dân tộc thiểu số (DTTS) biết chữ đạt 92,56%; tỷ lệ phụ nữ được tạo việc làm mới hằng năm đạt 49%; tỷ lệ phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng DTTS có nhu cầu được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi đạt 100%. Tỷ số giới tính khi sinh được khống chế ở mức 109,7 trẻ trai/100 trẻ gái, tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 24,1/100.000 trẻ; nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán thông qua trao trả được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ, tái hoà nhập cộng đồng; mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới bước đầu phát huy hiệu quả. Các Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh, huyện đều có chuyên mục về bình đẳng giới, 80% số xã thường xuyên tuyên truyền về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở; 80% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và 52% người dân ở các khu, cụm dân cư được truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, công tác bình đẳng giới vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trong cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước các cấp có tăng qua các nhiệm kỳ song chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số chỉ tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, giáo dục, đào tạo, thông tin và truyền thông đạt thấp. Tình trạng bất bình đẳng giới còn xảy ra trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS; các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em còn diễn biến dưới nhiều hình thức; ngân sách địa phương cho công tác bình đẳng giới còn hạn hẹp.
Theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, nguyên nhân là do tỉnh ta còn nghèo, đồng bào DTTS chiếm 87,2%, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn; tư tưởng coi trọng nam giới, định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Phụ nữ nông thôn, vùng đồng bào DTTS còn hạn chế về trình độ, kiến thức, tự ti, an phận, bị ràng buộc bởi quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu đã làm cản trở việc tiếp cận, triển khai các hoạt động về bình đẳng giới. Nhận thức về bình đẳng giới chưa đầy đủ, một số nơi, cấp ủy, chính quyền còn thiếu sâu sát trong lãnh đạo, triển khai thực hiện; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới chưa được triển khai thường xuyên, hiệu quả. Công tác phối hợp liên ngành, lồng ghép thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển KT-XH chưa được đồng bộ.
Thực hiện Chiến lược trong giai đoạn mới, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và huyện, HĐND, UBND cấp huyện, xã có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên 60%; tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt 45%; nữ tiến sĩ đạt 40%; các cơ sở giáo dục phổ thông duy trì, lồng ghép nội dung về giới, bình đẳng giới trong chương trình giảng dạy. Phấn đấu 80% dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới; có ít nhất 80% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan cung cấp dịch vụ; 100% trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau…
Những thành tựu về bình đẳng giới đã đạt được sẽ là nền tảng vững chắc để các cấp, ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn mới. Với mục tiêu cụ thể là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới; tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới; phát triển, tăng cường khả năng đáp ứng của các cơ sở cung cấp dịch vụ nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Để đạt được mục tiêu này cần sự tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc