Nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số
BHG - Những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm tới sự nghiệp giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), thực hiện nhiều chính sách xã hội, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, với trường lớp khang trang, đáp ứng được nhu cầu học tập của các em; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Lũng Táo (Đồng Văn) truyền dạy cho học sinh kiến thức văn hoá bản địa. |
Tỉnh ta thực hiện hàng loạt các chính sách có tính chất đặc thù, góp phần phát triển cả về quy mô và chất lượng; trong đó, nổi bật là chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục cho học sinh DTTS. Hệ thống trường, lớp từ bậc mầm non đến trung học phổ thông ở vùng DTTS được củng cố và phát triển. Tại những thôn, bản vùng cao, vùng sâu, biên giới 100% các xã có trường tiểu học và trung học cơ sở; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất, trở thành nơi nuôi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ người DTTS cho tỉnh nhà. Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên cho phù hợp với địa phương; tạo điều kiện để cán bộ quản lý, giáo viên được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh.
Các trường có nhiều học sinh DTTS đã chú trọng thực hiện rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, duy trì số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học, đảm bảo hợp lý, thuận tiện cho việc học tập, gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục bền vững.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS, tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù gắn với yêu cầu giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, nâng cao công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, giúp học sinh hiểu rõ được những nét đẹp truyền thống và bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đây là chính sách an sinh xã hội đã và đang phát huy tốt hiệu quả giúp nhiều học sinh DTTS vùng cao, biên giới được cấp phát gạo theo định suất hàng tháng, tạo động lực to lớn cho các em yên tâm học tập, duy trì sĩ số, tỷ lệ học sinh các cấp đi học đều, đảm bảo 100% đúng độ tuổi.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo: Sở thường xuyên thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS; rà soát, phát hiện những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục của các Trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú để thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục cho học sinh DTTS trong tỉnh; đổi mới các phương pháp dạy học theo năng lực của học sinh. Các trường học làm tốt công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng và hoạt động tự học của học sinh; tổ chức tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề truyền thống phù hợp với yêu cầu phát triển KT – XH của địa phương. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp cho học sinh DTTS…
Bài, ảnh: THÁI KHANG
Ý kiến bạn đọc