Dấu ấn ngành Tư pháp
Xuân 2022 - Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Tư pháp, công tác Tư pháp năm 2021 trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện bài bản, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm với các giải pháp phù hợp yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần phục vụ tốt yêu cầu và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Lãnh đạo Sở dự họp triển khai nhiệm vụ tại Chi bộ 3 |
Đồng chí Trương Huy Huân, Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định: Vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid – 19, Sở luôn chủ động, chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia ý kiến xây dựng vào nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Trung ương và các văn bản quản lý nhà nước khác; đã thẩm định 93 dự thảo văn bản QPPL, trong đó có 15 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh; 78 dự thảo Quyết định của UBND tỉnh (tăng 69 % so với cùng kỳ năm trước). Các ý kiến thẩm định chuyên sâu, chất lượng, có sự phân tích, tổng hợp và dự báo đối với các dự thảo, thể hiện rõ quan điểm dự thảo đủ điều kiện hay không đủ điều kiện ban hành. Tham gia ý kiến vào 343 dự thảo văn bản (tăng 45% so với cùng kỳ năm trước). Giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 43 văn bản do UBND tỉnh ban hành, không có văn bản QPPL nào bị kiến nghị bãi bỏ do trái quy định; thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền 31 văn bản QPPL do HĐND - UBND cấp huyện ban hành.
Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL thực hiện thường xuyên, đồng bộ từ tỉnh đến cấp xã, qua đó kịp thời phát hiện những văn bản QPPL mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực theo đề nghị của các bộ, ngành như: Rà soát văn bản QPPL, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội; đề xuất định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực: Tín ngưỡng - tôn giáo, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính, tài nguyên và môi trường, xây dựng...
Khách giao dịch tại Phòng Công chứng số 1 Hà Giang |
Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, ngành Tư pháp tích cực, chủ động tham mưu triển khai có trọng tâm, đổi mới về nội dung và hình thức, mở rộng đối tượng tuyên truyền; chú trọng vào việc phổ biến các văn bản QPPL mới, các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và những vấn đề dư luận quan tâm.
Công tác hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp và trợ giúp pháp lý được ngành đặc biệt quan tâm: Trên địa bàn tỉnh, Phòng Tư pháp và UBND cấp xã đã chứng thực 527.680 bản sao; chứng thực chữ ký trong giấy tờ văn bản 25.286 việc; chứng thực hợp đồng giao dịch 8.624 việc… Sở Tư pháp thực hiện cấp 1.124 Phiếu lý lịch tư pháp; cập nhật và xử lý trên hệ thống phần mềm quản lý, lý lịch tư pháp dùng chung; 2.813 thông tin về án tích do Tòa án nhân dân các cấp cung cấp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; lập 549 hồ sơ lý lịch tư pháp, cập nhật 1.792 thông tin lý lịch tư pháp bổ sung; cung cấp cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia 1.045 thông tin...
Kết quả trên góp phần vào những thành tựu chung của tỉnh, vai trò của công tác Tư pháp trong đời sống chính trị ngày càng được khẳng định. Đây là động lực, khí thế mới để mỗi cán bộ, nhân viên của ngành Tư pháp tỉnh nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, yêu cầu từ thực tiễn đặt ra trong năm mới 2022 và các năm tiếp theo.
Bài, ảnh: Minh Khai
Ý kiến bạn đọc