Thầy giáo Lục Văn Dương với sáng kiến "Xây dựng mô hình kinh tế gắn với công tác giảm nghèo"
BHG - Anh Lục Văn Dương sinh ra và lớn lên tại xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ). Hiện là giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc. Ngoài công việc chuyên môn, anh được phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phân công kiêm nhiệm tại Trung tâm học tập cộng đồng thị trấn Mèo Vạc với chức vụ là Phó Giám đốc. Với thời gian 2 ngày/tuần thầy đứng lớp tại Trường Tiểu học thị trấn, 3 ngày/tuần làm tại Trung tâm học tập cộng đồng, công việc 2 mảng khác nhau nhưng anh luôn nghiên cứu, sắp xếp công việc, thời gian hợp lý, khoa học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Giờ lên lớp của thầy giáo Lục Văn Dương. |
Dù trong hoàn cảnh nào, Lục Văn Dương luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Trong quá trình giảng dạy anh tự học tiếng Mông để hỗ trợ học sinh khi giảng bài, nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Với bản chất cần cù, chịu khó, khi được phân công kiêm nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng thị trấn Mèo Vạc càng thôi thúc anh thực hiện ý tưởng phát triển kinh tế. Hiểu rõ rằng, trung tâm là nơi trang bị kiến thức nhiều mặt, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng.
Trong quá trình đi thực địa gần gũi bà con, thầy giáo Dương đã có ý tưởng “Xây dựng mô hình kinh tế gắn với công tác giảm nghèo”. Mục đích thu hút nhân dân tham gia thực hiện các mô hình sản xuất góp phần giảm nghèo bền vững. Nói đi đôi với làm, năm 2016 đồng chí đã mạnh dạn vay vốn thành lập hợp tác xã (HTX) mang tên: HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đại Dương, hoạt động chủ yếu là chăn nuôi bò vỗ béo, chế biến sản phẩm từ thịt bò theo hướng an toàn; nuôi ong lấy mật và cung cấp con giống cho các hộ dân có nhu cầu... Đây cũng là mô hình để tuyên truyền, tập huấn cho bà con phát triển kinh tế nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
Từ mô hình này, gia đình đoàn viên công đoàn Lục Văn Dương đã bớt dần khó khăn, nay đã có kinh tế khá ổn định, mang lại mức thu nhập bình quân từ 400 triệu đến 500 triệu đồng/năm. Không chỉ làm ra sản phẩm sạch mà còn tạo việc làm cho trên 20 lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng, người lao động được tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định. Từ những lợi ích và ưu điểm của mô hình, thầy Dương tiếp tục nhân rộng mô hình. Ban đầu, HTX cho các hộ nghèo, cận nghèo con giống về nuôi, sau khi sinh sản xong lại luân chuyển sang hộ khác, đến nay HTX đã nhân rộng lên tới 75 hộ với mức thu nhập bình quân 50-60 triệu đồng/năm, trong đó 60 hộ thoát nghèo.
Không chỉ làm tốt vai trò là người giáo viên, anh Lục Văn Dương còn là đoàn viên Công đoàn ưu tú, thầy Lục Văn Dương chia sẻ: “Để vun đắp được một gia đình hạnh phúc thì trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày, các thành viên phải biết thông cảm, chia sẻ, gần gũi và hiểu nhau hơn, cùng xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc”.
Với những nỗ lực của bản thân, đồng chí Lục Văn Dương đã được lãnh đạo ngành Giáo dục ghi nhận và khen thưởng do có nhiều đóng góp tích cực đối với sự nghiệp giáo dục. Năm 2019, thầy Dương là một trong những gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất được vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra, cá nhân thầy và tập thể HTX còn được nhận rất nhiều phần thưởng cao quý khác, nhưng trên tất cả các phần thưởng là tấm lòng nhân hậu luôn hướng về thế hệ học trò thân yêu. Các đồng nghiệp nhận xét, thầy Dương luôn có tinh thần trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.
Bài, ảnh: Đức Trí (LĐLĐ tỉnh)