Giữ ổn định thị trường hàng hóa dịp cuối năm
BHG - Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành bán lẻ; hoạt động kinh doanh, mua bán giảm mạnh khiến doanh thu của các doanh nghiệp, cửa hàng sụt giảm. Hiện, các siêu thị, cửa hàng đang thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm nhằm đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Cô Hiền Thị Bảy, tiểu thương chợ Minh Khai (thành phố Hà Giang) giới thiệu các loại rau xanh đã bình ổn giá. Ảnh: KHÁNH HUYỀN |
Theo Sở Công thương, do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên một số nhà phân phối, cửa hàng tạm ngưng hoạt động đã ảnh hưởng không nhỏ đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Sở đã và đang triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá thị trường.
Hiện nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, các chợ, siêu thị, đại lý, cửa hàng tiện lợi hoạt động sôi nổi hơn, đảm bảo chấp hành nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhiều loại hàng hoá có xu hướng điều chỉnh giảm giá, cụ thể: Giá thịt lợn mông sấn 140.000 đồng/kg; thịt bò loại 1 là 300.000 đồng/kg; cá Trắm 80.000 đồng/kg; cá Chép 90.000 đồng/kg; gà hơi địa phương 150.000 đồng/kg… Các loại rau, củ, quả giảm giá từ 1.000 - 2.000 đồng/kg cà chua 18.000 đồng/kg; rau cải 17.000 đồng/kg; khoai tây, bí xanh, bí đỏ 16.000 đồng/kg…
Cô Hiền Thị Bảy, tiểu thương tại chợ Minh Khai (thành phố Hà Giang) cho biết: Gần tháng nay do dịch Covid-19 bùng phát các loại rau, củ, quả tăng mạnh, nhưng tuần gần đây, giá cả các mặt hàng rau, củ, quả đã hạ nhiệt, giữ ở mức ổn định.
Theo một số tiểu thương, các mặt hàng thời trang, đồ gia dụng trong dịp cuối năm thường khá đắt, do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh hiện nay, không chỉ việc lấy hàng gặp khó khăn mà việc buôn bán cũng rất ế ẩm, nhiều cửa hàng phải kết hợp bán hàng trực tuyến và thực hiện nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Là đơn vị kinh doanh có nhiều lợi thế về giao thông, địa lý như nằm ở trung tâm thành phố Hà Giang, tập trung đông đúc dân cư, từ đầu năm đến nay, Phoenix Center vẫn duy trì khá tốt lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, theo chị Phí Thị Loan, kế toán Phoenix Center thì doanh thu sụt giảm đáng kể trong thời gian cuối tháng 10 đến nay, bình thường doanh thu mỗi ngày đạt từ 20-30 triệu đồng, nhưng từ khi có dịch, doanh thu giảm chỉ còn 5-6 triệu đồng/ngày, trước có 30 nhân viên, giờ giảm còn 6. Trước đây, khách hàng đến Phoenix Center thường chọn mua hàng hóa với số lượng lớn để được hưởng ưu đãi tốt hơn và không mất thời gian đi siêu thị nhiều lần, thì hiện nay, do thu nhập bị giảm nên người dân chỉ mua những sản phẩm thật sự cần thiết. Từ giờ đến cuối năm, Phoenix Center sẽ ra các chương trình giảm giá hấp dẫn, mong muốn hoạt động mua sắm cuối năm sôi động trở lại, kích thích nền kinh tế tăng trưởng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 đang được triển khai rộng rãi; dự báo từ nay đến cuối năm, mức tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, hàng hóa tiêu dùng bán lẻ tiếp tục được cải thiện do nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Nhiều doanh nghiệp, siêu thị đã lên phương án xây dựng nguồn cung dồi dào, đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hoá cho người tiêu dùng, triển khai nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn, đây là những tín hiệu tích cực, mang lại triển vọng cho sự phục hồi kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng.
KHÁNH HUYỀN