Xung phong vào tâm dịch là cách chúng tôi bảo vệ quê hương
BHG - Cuối tháng 8.2021, tỉnh Hà Giang tiếp tục cử đoàn cán bộ y tế tình nguyện số 2 tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho tỉnh Bình Dương – một trong những tâm dịch “nóng” nhất cả nước thời điểm ấy. Sau 2 tháng hỗ trợ, đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về Hà Giang. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức, những kỷ niệm khi thực hiện nhiệm vụ ở Bình Dương vẫn còn lắng đọng trong tâm trí của mỗi thành viên trong đoàn. Nhân dịp đoàn hoàn thành nhiệm vụ trở về Hà Giang, P.v Báo Hà Giang điện tử đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Vũ Văn Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, Trưởng đoàn về những kỷ niệm của chuyến tình nguyện đặc biệt này.
Bác sĩ CK.I Vũ Văn Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, Trưởng đoàn y tế tình nguyện tỉnh Hà Giang hỗ trợ tỉnh Bình Dương |
PV: Bác sĩ có thể cho biết, vào đến Bình Dương thực hiện nhiệm vụ, đoàn gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Bác sĩ Vũ Văn Giang: Đoàn chúng tôi gồm 30 cán bộ y tế, vào Bình Dương với nhiệm vụ chính là khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân F0 và lấy mẫu xét nghiệm. Khi vào đến nơi, chúng tôi nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Y tế Thị xã Bến Cát. Tuy nhiên, chúng tôi không làm việc tập trung mà phải chia tách ra thành các nhóm nhỏ, chữa trị tại những địa điểm khác nhau.
Khi thực hiện nhiệm vụ, thuận lợi nhất là chúng tôi nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Trung tâm Y tế Thị xã Bến Cát, được hỗ trợ về phương tiện di chuyển. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là đoàn chỉ có 30 người nhưng phải chia ra đến 25 nhóm, mỗi nhóm chỉ có 1-2 người, các địa điểm điều trị lại không gần nhau nên công tác quản lý khá vất vả, chủ yếu là giao tiếp với nhau qua nhóm chat trên mạng. Bên cạnh đó, nhiều khu vực cách ly là bệnh viện dã chiến, phải bổ sung nhân lực liên tục, có những đồng chí trong đoàn phải di chuyển đến 2-3 địa điểm khác nhau trong vài ngày. Giữa đỉnh dịch, số lượng bệnh nhân đông có khi lên đến vài trăm mà nguồn nhân lực y tế mỏng đòi hỏi phải xử lý khối lượng công việc khổng lồ. Khó khăn thứ hai là do sự khác biệt vùng miền, việc giao tiếp giữa thành viên trong đoàn và các đồng nghiệp cũng như bệnh nhân tại Bình Dương đôi lúc không được hiệu quả. Cuối cùng, do công việc bận rộn 24/24 nên hầu như đoàn không được ăn ngủ đúng bữa, thường xuyên phải tranh thủ những lúc giải lao để ăn tạm suất cơm hoặc chợp mắt nghỉ ngơi.
PV: Được biết trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, đoàn đã có một vài thành viên dương tính với Covid-19. Vậy công tác điều trị cho các thành viên được xử lý như thế nào? Nhiệm vụ của những thành viên ấy được sắp xếp ra sao thưa bác sĩ?
Bác sĩ Vũ Văn Giang: Vì đoàn phải tách lẻ ra nhiều nơi và chữa trị cho nhiều bệnh nhân nên một vài thành viên trong đoàn đã dương tính với Covid-19. Ngay khi nắm được thông tin, tôi đã động viên các thành viên tự theo dõi sức khoẻ, điều trị và cách ly ngay tại chỗ làm. Trước khi lên đường chi viện, tất cả thành viên trong đoàn đều đã được tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine nên không ai có triệu chứng, chỉ có những biểu hiện nhẹ như hắt hơi, sổ mũi,… Sau khoảng 10 ngày, những thành viên có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính lại tiếp tục tham gia công tác chữa bệnh. Thậm chí, trong quá trình nhiễm bệnh, nhiều thành viên chỉ nghỉ ngơi 1-2 ngày, sau đó lại tiếp tục tham gia điều trị cho bệnh nhân F0 ngay tại khu cách ly. Việc “F0 điều trị cho F0” khiến sự vất vả của các thành viên nhân đôi, tuy nhiên tuyệt đối không một ai kêu ca hay than phiền về sự mệt mỏi của cá nhân mình, mà tất cả cùng cống hiến hết sức cho mục đích chung của tập thể.
Các cán bộ đoàn y tế tình nguyện tỉnh Hà Giang hỗ trợ tỉnh Bình Dương thực hiện khám chữa bệnh, lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân Covid-19. (Ảnh do Bác sĩ Vũ Văn Giang, Trưởng đoàn cung cấp) |
PV: Tình nguyện xa nhà không phải là điều dễ dàng, nhất là giữa tâm dịch Covid-19. Bác sĩ có thể kể một vài câu chuyện đáng nhớ khi tình nguyện ở xa? Đối với bác sĩ, chuyến tình nguyện này có ý nghĩa như thế nào?
Bác sĩ Vũ Văn Giang: Trong quá trình chăm sóc cho bệnh nhân ở khu cách ly, chúng tôi có nhiều kỷ niệm với họ, từ già cho đến trẻ. Trên thực tế, nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là chữa trị Covid-19 cho các bệnh nhân F0, tuy nhiên khi bệnh nhân bị các vấn đề khác thì chúng tôi cũng phải xử lý. Chẳng hạn như khi bệnh nhân đun nước xông mà bị bỏng, hay khi họ chẳng may trượt chân ngã,… chúng tôi cũng phải đóng vai các “bác sĩ đa khoa” để chữa trị cho họ. Vất vả thì đương nhiên là có, nhưng sau khi bệnh nhân khỏi bệnh, nhận được những lá thư, những lời cảm ơn chân tình, chúng tôi lại cảm thấy những nỗi vất vả đó thật xứng đáng, và cũng là 1 dấu ấn khó quên trong sự nghiệp hành nghề y của mỗi người.
Về phía gia đình, dù chăm sóc bệnh nhân bận bịu đến mấy, chúng tôi cũng dành thời gian để gọi điện hỏi thăm bố mẹ, vợ con. Trước khi đi, đoàn chúng tôi có 2 thành viên có vợ vừa mới sinh 1 tuần, nhưng cả 2 vẫn gác hết lại để lên đường chống dịch theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Gia đình họ cũng vô cùng thấu hiểu và ủng hộ.
Đối với tôi, những ngày tháng làm việc giữa tâm dịch không bao giờ là lãng phí hay vô ích, mà đó chính là cơ hội để chúng tôi cọ sát thực tế, trau dồi kinh nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng cho quê hương Hà Giang trước những mối nguy chưa biết ngày nào kết thúc từ đại dịch Covid-19. Có thể nói, xung phong vào tâm dịch cũng là cách mà chúng tôi bảo vệ quê hương.
PV: Trên thực tế, dịch Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Với kinh nghiệm đã tích luỹ được khi tình nguyện tại Bình Dương, bác sĩ có thể đưa ra một vài lời khuyên cho người dân khi phát hiện bản thân hoặc những người xung quanh dương tính với Covid-19? Đối với những bệnh nhân đã được điều trị khỏi, cần chăm sóc sức khoẻ sau đó như thế nào?
Bác sĩ Vũ Văn Giang: Khi phát hiện ra bản thân hoặc những người xung quanh là F0, cần bình tĩnh và thông báo ngay cho số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế. Luôn thực hiện 5K, giữ khoảng cách đúng quy định, đồng thời tin tưởng tuyệt đối vào sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế, không nên hoang mang hoặc nghe theo các tin đồn thất thiệt dẫn đến xáo trộn tâm lý.
Trong quá trình làm việc tại Bình Dương, chúng tôi biết bệnh nhân sẽ cảm thấy rất lo sợ khi biết mình nhiễm bệnh. Mà “có bệnh thì vái tứ phương”, bệnh nhân dễ có xu hướng mua bất kỳ loại thuốc nào được “mách” để điều trị. Điều này là tuyệt đối không nên. Bệnh nhân cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để quá trình điều trị có hiệu quả, tránh “tiền mất tật mang”.
Ngoài ra, khi cách ly tại nhà hoặc trong các cơ sở cách ly, bệnh nhân nên cẩn thận khi hoạt động, tránh để xảy ra những tai nạn không đáng có. Chỉ nên tập thể dục thể thao tại chỗ nhẹ nhàng, tập thở hằng ngày để đảm bảo đủ sức khoẻ.
Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi sức khoẻ, đồng thời thực hiện 5K và làm theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
Thực hiện: Minh Châu
Ý kiến bạn đọc