Đa dạng hình thức tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid – 19
BHG - Dịch bệnh Covid – 19 ngoài cộng đồng gia tăng làm ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khi những nhận thức về dịch bệnh còn nhiều hạn chế. Nhận thấy điều đó, các cấp, ngành từ tỉnh tới cơ sở nhanh chóng đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nâng cao công tác phòng, chống dịch bệnh cho người dân.
Cán bộ Trạm Y tế xã Quyết Tiến (Quản Bạ) tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid -19 tới người dân bằng các hình ảnh minh họa dễ hiểu. |
Là tỉnh miền núi với nhiều khó khăn về địa hình, khí hậu, tỷ lệ đồng bào DTTS cao chiếm 87,67% dân số. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, dễ hiểu, dễ nhớ, bằng tiếng địa phương, qua những hình ảnh minh họa để nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống dịch bệnh.
Tại xã Sủng Là (Đồng Văn) với gần 100% người dân là đồng bào DTTS như Mông, Lô Lô, Pu Péo… còn hạn chế về nhiều mặt; đồng chí Vàng Dỉ Xoáng, Chủ tịch UBND xã thông tin: Trên địa bàn xã có 26 trường hợp công dân đi lao động tại tỉnh Bình Dương dương tính với SARS – CoV – 2 được thực hiện cách ly tập trung, được các ngành chức năng, y, bác sỹ kịp thời cung cấp thực phẩm, điều trị khỏi bệnh và tiếp tục được theo dõi, cách ly tại nhà. Với quyết tâm nỗ lực đẩy mạnh tuyên tuyền đến từng thôn, các lực lượng chức năng tại địa phương nhanh chóng tổ chức tuyên truyền lưu động được 90 lượt, trên 4.000 người dân tại 10/10 thôn với nhiều hình thức: Phát thanh lưu động trên xe máy, treo pa nô, áp phích tại Nhà văn hóa thôn; phát 2.500 tờ rơi đến 850 hộ; tuyên truyền trực tiếp bằng tiếng địa phương, hình ảnh, video minh chứng về những nguy hiểm xảy ra khi cơ thể bị nhiễm Covid – 19. Qua đó, giúp người dân hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh, tự nâng cao khả năng phòng vệ cho bản thân, cộng đồng.
Các tổ chức chính trị xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 bằng tiếng địa phương đến đồng bào dân tộc thiểu số. |
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyên, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) khẳng định: Địa phương đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền theo phương thức dễ hiểu, bằng tiếng địa phương với các hình ảnh minh họa; phát huy vai trò của người có uy tín trong phòng, chống dịch bệnh từ mỗi nhà, mỗi người dân từng thôn. Xã cũng chuẩn bị nhiều phương án, nhân lực, cơ sở vật chất thiết yếu, chủ động ứng phó với từng cấp độ dịch Covid - 19. Với các hộ dân đi từ vùng dịch về được cán bộ xã đến tận nơi tuyên truyền, vận động khai báo y tế, cách ly tại nhà, giám sát chặt chẽ 14 ngày, đảm bảo an toàn cho người thân và cộng đồng dân cư.
Ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ), tổ giám sát phòng, chống dịch của từng thôn tích cực rà soát, cập nhật, báo cáo số liệu người đến từ vùng dịch, lịch sử tiếp xúc với ca nhiễm và nghi nhiễm Covid – 19; phát huy vai trò nòng cốt của tổ tuyên truyền lưu động, nhắc nhở người dân thực hiện tốt nguyên tắc 5k. Anh Ly Rỉ Pháng, thôn Bó Lách tâm tình: Người dân trong thôn lúc đầu chủ quan, chưa am hiểu về dịch bệnh; nhưng khi các ngành chức năng đến giải thích cặn kẽ về dịch bệnh Covid – 19 qua những hình ảnh thiết thực, tôi và bà con trong thôn đã hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của huyện, xã không ngồi tụ tập ca hát, uống rượu bắt tay, tập trung trò chuyện đông người, hạn chế xuống chợ, chỉ ra ngoài đường khi thực sự có việc cần thiết.
Nhận thức của đồng bào DTTS trong tỉnh ngày càng được nâng lên nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hướng linh hoạt, đa dạng, phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời, chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất, thói quen sinh hoạt thường ngày của người dân để dần thích ứng với cuộc sống trong tình hình mới.
Bài, ảnh: ĐỨC NINH