Chủ động bảo vệ vật nuôi trong mùa Đông
BHG - Theo dự báo, mùa Đông năm nay có thể đến sớm và lạnh hơn với các đợt rét đậm, rét hại, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của vật nuôi. Là huyện vùng cao, núi đá, nền nhiệt mùa Đông của huyện Đồng Văn xuống thấp, có thời điểm xuống dưới 0 độ C. Để hạn chế thấp nhất các thiệt hại cho đàn gia súc, huyện đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường bảo vệ.
Người dân xã Tả Lủng (Đồng Văn) ủ chua cỏ đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho gia súc vào mùa Đông. |
Hiện, Đồng Văn có trên 78 nghìn con gia súc, chủ yếu là bò, dê, lợn, trâu và ngựa. Trong đó, đàn bò chiếm số lượng lớn với trên 24 nghìn con, dê có 21 nghìn con và 32 nghìn con lợn. Trong năm, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi và bệnh Viêm da nổi cục ở bò, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch nên đàn gia súc không bị thiệt hại nhiều, cơ bản vẫn được giữ vững. Bước vào mùa Đông, sức đề kháng của vật nuôi giảm, vì vậy, để hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng của thời tiết đến đàn gia súc, ngay từ đầu mùa, các phòng chuyên môn đã có phương án hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi, chủ các gia trại, trang trại trên địa bàn.
Theo đó, tại các xã, thị trấn sau khi rà soát, thống kê, phân loại chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm của từng hộ, UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông trực tiếp đến các hộ chăn nuôi để tuyên truyền, vận động nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chủ động dự trữ thức ăn trong mùa Đông. Hướng dẫn bà con tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, thân cây ngô, rơm, cỏ ủ chua để làm thức ăn dự trữ. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi không thả rông gia súc; tận dụng chăn, vải, bạt cũ che chắn chuồng trại, ủ ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống thấp, luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ. Đặc biệt, chủ động xây dựng phương án ứng phó khi thời tiết rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống dưới 15 độ C. Tổ chức họp thôn triển khai tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật và kê khai hoạt động chăn nuôi, người dân sẽ ký cam kết với UBND xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc.
Đồng chí Nguyễn Thanh Viễn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đồng Văn cho biết: Nhiều năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đã có ý thức cao trong phòng, chống dịch bệnh, chủ động trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, vì vậy không xảy ra tình trạng gia súc chết đói, chết rét. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân trồng cỏ Voi, trồng ngô vụ Đông để tăng thêm nguồn thức ăn cho gia súc. Thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc tiến độ tiêm phòng; cán bộ thú y các xã thống kê, rà soát lập danh sách đàn vật nuôi thuộc diện phải tiêm ở từng thôn, từng hộ; phổ biến lịch tiêm phòng cụ thể và các quy định liên quan để người dân chủ động hợp tác và thực hiện. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Thú y mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi.
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, huyện Đồng Văn đã tiếp nhận, cấp phát 94.505 liều vắc xin, tiêm được 87.251 liều. Trong đó: Vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò tiêm được 22.393 liều; tụ huyết trùng trâu, bò tiêm được 20.011 liều; nhiệt thán trâu, bò tiêm 20.018 liều, dịch tả lợn tiêm 10.329 liều; lở mồm, long móng trâu, bò tiêm 13.500 liều. Trong Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các xã, thị trấn đã huy động hàng nghìn lượt người tham gia vệ sinh, khử trùng tại các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán và nơi công cộng… Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chủ động của các hộ chăn nuôi sẽ giúp đàn gia súc được bảo vệ tốt hơn trong mùa Đông. Từ đó thực hiện có hiệu quả Chương trình “3 cây, 4 con”, từng bước thúc đẩy nông nghiệp huyện Đồng Văn phát triển bền vững.
Bài, ảnh: My Ly