20 ngày cam go
BHG - 20 ngày cam go, tôi muốn nhắc đến khoảng thời gian từ 25.10 đến 15.11, khi dịch bệnh Covid – 19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh, có thời điểm, F0 trong cộng đồng phát hiện trong ngày lên mức 3 con số; nhiều địa bàn bị phong tỏa, chuyển từ “vùng xanh” sang sắc cam, đỏ. Cả hệ thống chính trị và toàn dân quyết liệt “ra trận”, “thần tốc” truy vết, khoanh vùng, khống chế dịch, đảm bảo sức khỏe nhân dân và hạ cấp độ dịch của tỉnh về “vùng xanh”.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho F0 điều trị tại nhà. |
Những con số biết nói
Ngày 25.10 là một dấu mốc không thể quên với người dân Hà Giang, ngày ghi nhận ca lây nhiễm Covid – 19 trong cộng đồng đầu tiên tại phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang), rồi lây lan diện rộng theo cấp số nhân, làm đảo lộn cuộc sống hàng nghìn hộ dân. Chỉ 2 ngày sau, số F0 trong cộng đồng phát hiện trong ngày đạt 2 con số và sau 1 tuần, tăng lên 3 con số. Ngày 3.11, phát hiện 109 F0 trong cộng đồng, nâng tổng số F0 trên địa bàn tỉnh lên 1.249 ca, trong đó 496 ca trong cộng đồng. Đến ngày 14.11, số F0 tăng lên 3.322 ca với 568 ca trong cộng đồng, còn lại trong khu phong tỏa, cách ly tập trung và cách ly tại nhà; có 3 ca bệnh tử vong. Dịch lây lan 11 huyện, thành phố, trong đó: Thành phố Hà Giang 624 F0, Vị Xuyên 552 F0, Yên Minh 504 F0, Đồng Văn 374 F0, Quản Bạ 190 F0, Bắc Quang 123 F0, Mèo Vạc 70 F0, Quang Bình 22 F0, Bắc Mê 21 F0, Hoàng Su Phì 19 F0, Xín Mần 2 F0. Hàng loạt khu vực bị phong tỏa khẩn cấp để khống chế dịch; hàng nghìn hộ dân trong vùng cách ly, phong tỏa bị đảo lộn cuộc sống; 62 trường học với 361 giáo viên, học sinh là F0; 23 cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch. UBND tỉnh liên tục ban hành 4 quyết định phân cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế, trong đó, từ ngày 3.11 cấp tỉnh nâng từ cấp độ 1 lên cấp độ 2. Sắc vàng, cam, đỏ bao phủ nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Toàn tỉnh truy vết được 17.422 F1, 37.358 F2; cách ly tập trung 2.793 trường hợp; cách ly tại nhà 16.874 trường hợp; lấy 184.536 mẫu mẫu test nhanh, trong đó 2.077 mẫu test nhanh dương tính. Những con số khắc họa đậm nét sự bùng phát mạnh mẽ, phức tạp của dịch trong 20 ngày cam go.
Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân vùng dịch Vị Xuyên. |
Toàn tỉnh cùng “ra trận”
Với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe nhân dân là quan trọng nhất, ngay từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các biện pháp cấp bách khoanh vùng, dập dịch. Hàng chục cuộc họp khẩn trực tuyến 3 cấp được tổ chức đảm bảo công tác chỉ đạo kịp thời, xuyên suốt. Toàn bộ đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế trường học được huy động hỗ trợ các địa phương chống dịch, xuyên đêm “thần tốc” truy vết, lấy mẫu test nhanh, xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. “Cuộc chiến” lần này cam go hơn khi dịch xảy ra tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ ở vật chất, giao thông khó khăn và số F0 tăng nhanh. UBND tỉnh quyết định thành lập các cơ sở thu dung và điều trị bệnh nhân F0 tại trường học. Lần đầu tiên, thành phố Hà Giang thí điểm cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà; thành lập các tổ Covid cộng đồng, tổ chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc Covid -19 tại nhà. Các địa phương triển khai cấp bách biện pháp chống dịch, yêu cầu người dân không ra đường khi không cần thiết. Lực lượng Công an, Quân sự hỗ trợ kiểm soát dịch tại các chốt và khu cách ly tập trung, vùng phong tỏa. Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ổn định giá cả hàng hóa. Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội kêu gọi, vận động ủng hộ phòng, chống dịch; đoàn viên, thanh niên tình nguyện hỗ trợ “tuyến đầu”, Hội Phụ nữ nấu những suất cơm tình nghĩa cho công dân cách ly tập trung. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tùy điều kiện thực tế, yêu cầu nhiệm vụ tham gia chống dịch. Người dân chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch. UBND thành phố lập chốt kiểm soát người ra vào địa bàn. Tỉnh triển khai điều trị thuốc kháng vi rút (Remdesivir) cho bệnh nhân phải thở oxy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phổi; duy trì 68 chốt kiểm soát cố định, 17 tổ cơ động tuần tra, kiểm soát toàn tuyến biên giới; đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin Covid – 19 để tạo miễn dịch cộng đồng, đến ngày 15.11, toàn tỉnh có 429.134 người tiêm ít nhất 1 mũi, tỷ lệ bao phủ đạt 74,3%, có 99.000 người tiêm đủ 2 mũi.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin Covid - 19 để tạo miễn dịch cộng đồng. Ảnh: BIỆN LUÂN |
Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, để đảm bảo đầy đủ trang thiết bị phòng, chống dịch và ổn định cuộc sống người dân, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện đã chung tay, góp sức hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, vật tư y tế cho các địa phương chống dịch.
Với những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tỉnh từng bước khống chế dịch bệnh. Ngày 14.11, UBND tỉnh ban hành quyết định công bố cấp độ dịch trên địa bàn, cấp tỉnh trở về “vùng xanh”; thành phố Hà Giang xuống cấp độ 2, chỉ còn xã Tả Ván (Quản Bạ) cấp độ 4. F0 trong cộng đồng giảm mạnh, có ngày không ghi nhận ca nhiễm mới. Nhiều khu vực được dỡ phong tỏa. Thành phố dỡ bỏ các chốt kiểm soát dịch. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vận tải hành khách được hoạt động trở lại đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19 và phù hợp với cấp độ dịch đã công bố.
Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Giao đánh giá: Cuộc chiến lần này hết sức khó khăn, vất vả nhưng Hà Giang đã kiên cường vượt qua 20 ngày cam go. Ngành Y tế kịp thời tham mưu cho tỉnh triển khai các biện pháp cấp bách khống chế dịch. Với sự quyết liệt, chủ động, linh hoạt từ tỉnh đến cơ sở, dịch cơ bản được kiểm soát, khống chế; số F0 giảm mạnh, nhiều F0 được điều trị ổn định, đủ điều kiện ra viện. Đợt dịch này để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý trong công tác phòng, chống dịch như: Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời và chỉ đạo xuyên suốt của hệ thống chính trị; chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó tình huống, cấp độ dịch; cách ly điều trị F0 tại nhà; thành lập tổ Covid cộng đồng, tổ chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc Covid -19 tại nhà; đẩy nhanh tốc độ truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm; đảm bảo nhân lực, vật lực chống dịch; công bố kịp thời mức độ dịch đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19…
Trong 20 ngày cam go ấy, có những thời điểm thành phố Hà Giang chìm trong sự tĩnh lặng, từ đường lớn đến ngõ nhỏ không bóng người, nhưng sự tĩnh lặng ấy không mang đến cảm giác bình yên. Dịch Covid – 19 quá ác nghiệt, nó làm đảo lộn cuộc sống, gia tăng sự khó khăn, đe dọa sức khỏe nhân dân, tạo áp lực và quá tải với ngành Y tế, đặt cấp ủy, chính quyền địa phương vào tình trạng sẵn sàng “ra trận”, người dân có lúc hoang mang, lo lắng. Nhưng trải qua những ngày tháng cam go chống dịch, ta nhận ra nhiều giá trị cuộc sống. Trước hết là sự quan tâm, vào cuộc rất kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương với phương châm bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết; là năng lực và nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành Y tế; là sự linh hoạt của ngành Giáo dục triển khai các hình thức dạy học trực tuyến; là tinh thần tình nguyện vì cộng đồng của đoàn viên, thanh niên; nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng vũ trang và các hội đoàn thể các cấp; sự thích ứng linh hoạt của người dân trong vận dụng các hình thức giao dịch trực tuyến, bước đầu hình thành những “Công dân số”; là những bài học kinh nghiệm được rút ra và quan trọng hơn là tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, chung sức, đồng lòng của toàn dân cùng chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nói Không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh Covid - 19, không có quốc gia nào an toàn khi vẫn còn quốc gia khác phải chống dịch. Bởi vậy, dịch tuy đã được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát trở lại rất cao, một số địa phương còn ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền các cấp không chủ quan, lơ là mà tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN