Phát huy vai trò nữ công nhân, viên chức, lao động
BHG - Trong những năm qua, đội ngũ nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong tỉnh có nhiều chuyển biến cả về số lượng và chất lượng, phát huy vai trò, vị thế trên các lĩnh vực công tác, đời sống xã hội thời kỳ công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH).
Nhà may của chị Đoàn Thị Giang, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) tạo việc làm cho nhiều chị em. |
Đồng chí Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 23.588 nữ CNVCLĐ, cơ cấu chủ yếu ở khối các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chiếm 90%; số CNVCLĐ nữ trong các doanh nghiệp là 2.425, chiếm khoảng 10%. Số công đoàn cơ sở là 1.259, trong đó: khối hành chính sự nghiệp là 1.164, khối doanh nghiệp là 89 CĐCS. Toàn tỉnh có 803 Ban Nữ công quần chúng, trong đó có 14 Ban Nữ công cấp trên cơ sở và 459 Tổ nữ công. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tỉnh ủy, các cấp công đoàn trong toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác vận động nữ CNVCLĐ, nhất là nữ CNLĐ tại các doanh nghiệp. Thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ; tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, chính sách, chế độ có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em. Công tác cán bộ nữ được quan tâm, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị và BCH công đoàn các cấp tăng.
Công tác quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu về công tác phụ nữ trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn về công tác vận động nữ CNVCLĐ, thúc đẩy công tác bình đẳng giới và lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn. Kết quả, từ năm 2010 đến nay các cấp công đoàn phối hợp tổ chức 175 lớp tập huấn tuyên truyền về giới, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trên 7.000 đoàn viên; cung cấp, cập nhật thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình cho trên 40.000 lượt đoàn viên, người lao động; hàng năm tổ chức khám sức khỏe trên 70% lao động nữ. Tuyên truyền Đề án 343 về giáo dục phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và Đề án 704 về giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt cho hơn 18.000 lượt chị em tham gia. Tổ chức 6.489 cuộc gặp mặt, tọa đàm, tổ chức các hội thi, biểu dương gia đình nữ tiêu biểu... qua đó góp phần nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới trong CNVCLĐ, đấu tranh chống tư tưởng và hành vi phân biệt với nữ CNVCLĐ.
Trong công tác cán bộ nữ, các cấp công đoàn tham gia giới thiệu cán bộ nữ cơ cấu vào các chức danh lãnh đạo, quản lý. Trình độ, năng lực nữ CNVCLĐ từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác cán bộ nữ được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm thông qua việc hoàn thiện dần các cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực nói chung, nữ CNVCLĐ nói riêng. Hiện, có 13/33 chị là Ủy viên BCH LĐLĐ tỉnh; 132 chị tham gia BCH Công đoàn cấp trên cơ sở; 2.573 chị tham gia BCH Công đoàn cơ sở; có 12/25 chị là Chủ tịch, Phó chủ tịch LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành.
Các cấp công đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia. Chương trình “Mái ấm công đoàn” được LĐLĐ tỉnh triển khai từ năm 2013 đến nay đã hỗ trợ làm nhà ở cho 254 hộ đoàn viên công đoàn, với tổng số tiền 8,8 tỷ đồng, trong đó số lao động nữ là 158 hộ. Hàng năm trao hàng trăm suất quà hỗ trợ cho nữ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tinh thần trách nhiệm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, theo đó trong 10 năm qua đã trao hỗ trợ trên 4.000 xuất quà trị giá 1,8 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, việc thực hiện tốt công tác vận động nữ CNVCLĐ trong thời kỳ CNH, HĐH góp phần không nhỏ giúp nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn; qua đó thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, đặc biệt là phụ nữ.
Bài, ảnh: HỒNG CỪ
Ý kiến bạn đọc