Tăng đối thoại – giảm đơn thư
BHG - Đối thoại để lắng nghe, thấu hiểu, giải quyết kịp thời, thấu tình, đạt lý các vấn đề vướng mắc từ cơ sở là cách “Dân vận khéo” hiệu quả được các cấp, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng thực hiện, tạo đồng thuận trong nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, vì nhân dân phục vụ.
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: Ngọc Thơ (Vị Xuyên) |
Thực hiện Quyết định số 1859- QĐ/TU của BTV Tỉnh ủy về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, lãnh đạo các xã, phường ở thành phố Hà Giang thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với nhân dân. Thông qua đối thoại, hàng trăm lượt ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp lắng nghe, giải quyết. Các ý kiến của người dân thành phố tập trung vào các vấn đề: Chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid – 19; chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; xử lý rác thải, vệ sinh môi trường; quản lý đất đai, trật tự đô thị; tiến độ triển khai dự án đô thị xanh; một số tuyến đường bị xuống cấp; lấn chiếm vỉa hè ở một số khu vực để bán hàng gây mất mỹ quan đô thị; xây dựng cống thoát nước tránh ngập úng vào mùa mưa…
Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) Kiều Đức Thành cho biết: “Mỗi quý 1 lần, xã Ngọc Đường tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân tại các thôn. Thông qua đối thoại giúp lãnh đạo xã sâu sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị chính đáng của nhân dân. Những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã, xã chỉ đạo kiểm tra và thực hiện ngay. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp trên, hoặc liên quan đến nguồn kinh phí lớn như nâng cấp, sửa chữa, xây dựng các công trình, xã đưa vào các đầu điểm và đề nghị thành phố đầu tư. Sau mỗi buổi đối thoại, nhân dân đều hài lòng về các giải pháp mà chính quyền thực hiện”.
Vị Xuyên là một trong những địa bàn triển khai nhiều dự án quan trọng như: Dự án Tu bổ, mở rộng, quy tập Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên; nâng cấp, cải tạo đường từ xã Đồng Tâm (Bắc Quang) đến xã Ngọc Linh; nâng cấp, cải tạo đường từ thành phố Hà Giang đến KCN Bình Vàng; nâng cấp, cải tạo, rải nhựa đường Bạch Ngọc đi xã Thượng Bình (Bắc Quang); dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao... Ban đầu, các dự án đều gặp khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhưng qua hàng chục cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân, các vấn đề khó khăn, vướng mắc đều dần được hóa giải và nhận được sự đồng tình của nhân dân. Các công trình, dự án cơ bản được triển khai đúng tiến độ. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Ban tiếp dân và Thanh tra huyện Vị Xuyên tổ chức 30 lượt tiếp dân và xử lý 117 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chế độ, chính sách xã hội. Các ngành chức năng đang tiến hành giải quyết đơn thư đúng theo quy định.
Đối với chương trình xây dựng Nông thôn mới, để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường đối thoại, chia sẻ, lắng nghe ý kiến nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, vì vậy đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ nhân dân. Giai đoạn 2016 – 2021, các xã, phường, thị trấn đã vận động nhân dân hiến được 2.477.180 m2 đất làm đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi; đóng góp 1.477.602 ngày công lao động; ủng hộ 109.402 triệu đồng; hỗ trợ vật liệu xây dựng trị giá 252.430 triệu đồng.
Với mục tiêu xây dựng chính quyền vì nhân dân phục vụ, công tác lãnh, chỉ đạo và các hoạt động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đều hướng mạnh về cơ sở, gần dân, sát dân, gắn lợi ích của nhân dân; nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân, dư luận xã hội và những vấn đề vướng mắc ở cơ sở, kịp thời phản ánh, kiến nghị và đề xuất giải pháp thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã thực hiện 3.814 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với 81.592 lượt công dân, trong đó huyện Bắc Quang 661 cuộc, Yên Minh 615 cuộc, Mèo Vạc 575 cuộc, Hoàng Su Phì 548 cuộc, Quang Bình 324 cuộc, Vị Xuyên 297 cuộc, Hội Phụ nữ các cấp 39 cuộc. Một số cách tiếp xúc, đối thoại hiệu quả như: “Chiều thứ 6 nghe dân nói”; “Ngày thứ 7 hướng về cơ sở”; tiếp công dân định kỳ; Công an xã đối thoại trực tiếp với nhân dân; Chủ tịch Hội LHPN xã, phường đối thoại với hội viên. Thông qua tiếp xúc, đối thoại, có hơn 5.550 lượt ý kiến, kiến nghị của nhân dân gửi đến ngành chức năng. Tất cả đều được tiếp thu, giải quyết và chuyển cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời theo quy định. Qua đó, giảm tỷ lệ đơn thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, kéo dài; góp phần ổn định tình hình, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT – XH.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc