Nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
BHG - Những năm qua, nhờ có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, trên địa bàn huyện Đồng Văn có nhiều dự án, công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây mới, nâng cấp. Nhờ đó góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nâng cao điều kiện sống, sức khỏe cộng đồng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí Môi trường trong quá trình xây dựng Nông thôn mới.
Người dân thôn Há Súng, xã Tả Lủng (Đồng Văn) được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ảnh: TƯ LIỆU |
Hiện, trên địa bàn huyện Đồng Văn, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh là 14.361 hộ, đạt 87%. Trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung có 6.166 hộ, đạt 37,3%; tỷ lệ hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước nhỏ lẻ 8.195 hộ, đạt 49,6%. Thời gian qua, trước tình trạng thiếu nước ở một số xã, huyện Đồng Văn có nhiều giải pháp về cấp nước như: Tận dụng tối đa các mó nước để đâu tư xây dựng các công trình hồ treo. Đây là giải pháp khá toàn diện, tích được nước với khối lượng lớn và đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân nông thôn vùng khan hiếm nước có đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh vào mùa khô; tận dụng các bể để chứa nước mưa cũng phát huy hiệu quả tích cực. Đối với những hộ dân sống rải rác, không có nguồn nước, huyện sẽ xây dựng các bể nước, cung cấp bể nhựa dẻo hoặc téc nước để chứa. Đối với các xã, thị trấn nguồn nước dồi dào hơn, người dân tận dụng các khe nước, mó nước lộ thiên có đủ nước, cao độ để khuyến khích đầu tư các công trình tập trung bằng hệ tự chảy cho các cụm dân cư sinh sống tập trung.
Tả Lủng là xã nội địa của huyện Đồng Văn. Cũng giống như nhiều xã vùng cao khác, vào mùa khô, tình trạng khan hiếm nước thường xuyên xảy ra. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ người dân trên địa bàn xã được sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ đạt 83,79%, thấp nhất huyện. Đồng chí Dương Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Tả Lủng cho biết: Vào mùa khô, người dân một số thôn thiếu nước trầm trọng, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Hiện, người dân trong xã đang tận dụng nguồn nước ngầm tại thôn Há Súng để sử dụng; xã đã xây dựng bể chứa nước tập thể tại đây, đáp ứng được 1 phần nước sinh hoạt cho bà con vào mùa khô. Cùng đó, xã đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các đơn vị hỗ trợ người dân mua téc nước chứa nước mưa, dẫn nước nguồn để dự trữ. Đến nay, mặc dù chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước nhưng người dân đã có nước hợp vệ sinh để sử dụng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hiện, huyện có 1 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung liên xã là Dự án cung cấp nước KaWaTech, thôn Séo Hồ, xã Thài Phìn Tủng, được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2020. Đây là dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ lắp đặt hệ thống cấp nước không dùng điện, thực hiện phân phối nước cho thị trấn Đồng Văn và các khu lân cận. Với tỷ lệ sử dụng thực tế đạt 63,14%, dự án đã tạo ra bước đột phá về công nghệ khai thác nước bền vững trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Cấp ủy, chính quyền huyện đã và đang huy động các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các hoạt động cấp nước an toàn. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng mới hệ thống cấp nước đối với các xã có tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh thấp như xã Sủng Trái, Vần Chải, Hố Quáng Phìn, Tả Lủng. Đặc biệt, quan tâm công tác quản lý, tu sửa nhỏ, vệ sinh thường xuyên các công trình cấp nước đang hoạt động, vận hành khai thác, đảm bảo chất lượng nước theo quy định. Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học trong công tác xử lý nguồn nước, trữ nước các công trình hệ tự chảy, hồ treo và các bể chứa gia đình nông thôn; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo dưỡng, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt sau đầu tư…
VĨNH HÀ
Ý kiến bạn đọc