Nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số
BHG - Nghị quyết số 21- NQ/TW (ngày 25.10.2017) về công tác dân số trong tình hình mới của BCH T.Ư Đảng (khóa XII) nhấn mạnh: Trong tình hình mới, cần tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số. Trên cơ sở đó, tỉnh ta luôn chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới, góp phần củng cố, nâng cao mạng lưới, chất lượng dịch vụ dân số.
Cán bộ Trạm Y tế xã Lao Chải (Vị Xuyên) tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản cho người dân. (Ảnh chụp tháng 4.2021) |
Nhằm triển khai Nghị quyết số 21 - NQ/TW nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với tình hình của địa phương, các cấp, ngành đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đạt được các mục tiêu về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư. Chính quyền các cấp trong tỉnh đã thực hiện việc đưa quy hoạch, kế hoạch phát triển dân số vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH phù hợp với mỗi địa phương trong tỉnh. Thường xuyên triển khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác dân số các cấp, đặc biệt là đội ngũ tuyến xã, thôn. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào trong hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và xây dựng hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành dân số KHHGĐ ở các cấp. Triển khai thí điểm hoạt động xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và sức khỏe sinh sản nhằm tăng tính bền vững cho chương trình công tác dân số KHHGĐ của tỉnh. Hiện nay, các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ được cung cấp bởi cả 2 hệ thống y tế nhà nước và các cơ sở y tế tư nhân, đáp ứng được cơ bản nhu cầu của nhân dân trong tỉnh.
Đáng chú ý, công tác tuyên truyền, vận động về chính sách dân số có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức. Các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đã xây dựng, vận hành, duy trì, mở rộng, cải tiến các mô hình truyền thông dân số trên cơ sở thế mạnh của ngành và phù hợp với đặc điểm của các thành viên, hội viên để lôi cuốn các nhóm đối tượng và nhân dân tham gia. Hoạt động tư vấn được mở rộng theo nhiều hình thức, đảm bảo tiếp cận với từng nhóm đối tượng và từng bước chuyên nghiệp hóa, tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là giới trẻ có kiến thức, sự hiểu biết về chính sách dân số và phát triển.
Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ tiếp tục được củng cố, kiện toàn ở các tuyến, nhiều dịch vụ được xây dựng mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng và được cung cấp trang thiết bị, dụng cụ y tế bảo đảm về số lượng, chất lượng cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người sử dụng. 100% các trạm y tế, phòng khám Đa khoa khu vực đều được bố trí nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; toàn tỉnh có 115 cô đỡ thôn, bản hoạt động; hệ thống y tế tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các biện pháp tránh thai và các kênh cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tạo cơ hội cho người sử dụng lựa chọn thuận tiện, phù hợp với nhu cầu. Kết quả, đã có 473.683 lượt người thực hiện các biện pháp tránh thai mới, nâng tỷ lệ số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 57% năm 2003 lên 69% năm 2020.
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, những năm gần đây, chất lượng dân số của tỉnh được cải thiện về nhiều mặt. Tốc độ gia tăng dân số được kiềm chế, tuổi thọ bình quân của người dân được nâng lên từ 65,4 tuổi năm 2013 lên 67,9 tuổi năm 2019. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi được cải thiện và giảm mạnh, suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi giảm còn 18%, suy dinh dưỡng thấp còi giảm còn 32,8% (năm 2020). Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe đạt 60,07%, có khoảng 90% người cao tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế. Những kết quả đó là tiền đề quan trọng để tỉnh ta tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển KT – XH, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG