Khắc phục khó khăn trong xử lý chất thải y tế
BHG - Chất thải y tế (CTYT) là chất thải từ các hoạt động khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế, nếu không được thu gom, phân loại, xử lý đúng sẽ gây nguy hại đến sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, xử lý CTYT ngày càng được quan tâm và coi trọng.
Cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phân loại chất thải y tế. |
Đồng chí Đinh Văn Lưu, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hà Giang chia sẻ: CTYT có thể gây ra nhiều tác động xấu tới sức khỏe con người như lây bệnh qua đường máu cho nhân viên y tế, đặc biệt là sự cố thương tích do chất thải sắc nhọn; dạng phơi nhiễm nghề nghiệp qua đường máu của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện quản lý chất thải là bị thương do các kim tiêm lây nhiễm.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng, các hạng mục công trình phục vụ cho công tác quản lý, xử lý CTYT chưa được đầu tư đồng bộ, để xử lý rác thải cứng, nguy hại cần phải đi thuê tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Minh. Việc xử lý CTYT tuyến xã hiện nay trên địa bàn thành phố còn những khó khăn, nhất là việc xử lý các vật sắc nhọn, rác thải y tế lây nhiễm (bơm kim tiêm, bông, băng dính máu, dịch của bệnh nhân).
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Trung tâm Y tế thành phố chú trọng tới việc xây dựng khuôn viên xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường; đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế luôn nỗ lực thực hiện tốt các khâu, bước trong công tác quản lý, xử lý CTYT khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phạm Anh Văn cho biết: Việc quản lý, xử lý CTYT được bệnh viện đặc biệt quan tâm, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân, thu gom hơn 100 kg rác thải, CTYT. Nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, sức khỏe con người. Từ năm 2016, bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý công nghệ vi sóng, nghiền cắt vụn, sau đó khử khuẩn bằng công nghệ vi sóng ở nhiệt độ 96 độ C, trong suốt thời gian 20 phút. Đây là công nghệ tiên tiến nhất không khói, không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa xử lý được toàn bộ CTYT, sử dụng lâu năm hay hỏng hóc, ảnh hưởng đến việc xử lý CTYT.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường, bệnh viện thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bệnh nhân và người nhà bệnh nhân giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi; hàng năm, tổ chức lớp tập huấn về công tác nhiễm khuẩn, hướng dẫn xử lý chất thải, phân loại từ đầu. Ngoài ra, trước tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp bệnh viện hỗ trợ việc xử lý CTYT phát sinh do dịch bệnh tại các cơ sở khác, đảm bảo xử lý an toàn, hiệu quả.
Chị Trần Thị Hợp, Nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Ngọc Đường, chia sẻ: Xử lý nước thải, CTYT là nhiệm vụ quan trọng bởi nếu không cẩn thận thì đó là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, trở thành mầm bệnh dịch cho người dân quanh khu vực, chính vì vậy sau khi rác thải y tế được thu gom, phân loại sẽ được mang đi đốt theo đúng quy trình. Ở trạm không quy định ngày đốt, mà thu gom nhiều sẽ mang đi đốt luôn, chủ yếu là vỏ bơm kim tiêm, bơm kim tiêm, lượng rác thải không nhiều nên không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ðể khắc phục những khó khăn tồn tại trong vấn đề xử lý CTYT, ngành Y tế cần ưu tiên, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây hệ thống xử lý CTYT, bỏ các lò đốt thủ công, các hố bê tông xử lý CTYT tại các xã theo đúng quy định. Có như vậy, môi trường trong và quanh khu vực mới được đảm bảo, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh...
Bài, ảnh: TRUNG NGHĨA