Bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt
BHG - Cùng với cả nước, Hà Giang đã thanh toán bệnh bại liệt (BL) vào năm 2000. Bảo vệ thành quả đó, ngành Y tế tỉnh đã và đang duy trì nhiều giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe trẻ em khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây tử vong cao.
Trẻ em tiêm phòng bệnh bại liệt tại Phòng tiêm Safpo thành phố Hà Giang. |
BL là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Polio gây nên, dẫn đến suy dinh dưỡng, viêm phổi, teo cơ, tê liệt, liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong. Là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn về giao thông nông thôn, trình độ dân trí của một bộ phận người dân chưa cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc tuyên truyền, vận động phòng, chống, tiêm chủng các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh BL nói riêng. Song, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác y tế dự phòng, đến nay công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đã đạt 96%; tỷ lệ trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh giảm, loại trừ uốn ván sơ sinh và duy trì được thành quả thanh toán bệnh BL.
Bảo vệ thành quả thanh toán bệnh BL, các hoạt động giám sát và tìm kiếm tích cực liệt mềm cấp (LMC) được duy trì, tăng cường tại cộng đồng. Thực tế, hàng năm trên địa bàn tỉnh đều phát hiện các trường hợp LMC. Trong 4 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã phát hiện 21 ca LMC, tỷ lệ lấy mẫu xét nghiệm, điều tra di chứng đạt 100%. Qua giám sát, không ghi nhận trường hợp LMC mang vi rút BL hoang dại hay có nguồn gốc từ vắc xin. Cùng với đó, ngành Y tế tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực giám sát các bệnh truyền nhiễm, LMC cho cán bộ chuyên trách từ tuyến tỉnh đến cơ sở và các phòng khám tư nhân. Hoạt động truyền thông về phòng ngừa, tiêm vắc xin phòng bệnh BL được lồng ghép linh hoạt trong triển khai tiêm chủng mở rộng…
Đồng chí Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Chủ động phòng, chống bệnh BL xâm nhập, thực hiện chỉ đạo của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, từ tháng 9.2018 tỉnh ta đã đưa vắc xin BL IPV vào tiêm chủng thường xuyên cho trẻ đủ 5 tháng tuổi. Đồng thời, triển khai các đợt uống bổ sung vắc xin phòng BL bOPV cho trẻ dưới 5 tuổi vùng nguy cơ cao, khu vực giáp biên giới. Trong đó, có một số huyện như: Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì là các địa phương đã triển khai các đợt uống bổ sung vắc xin. Kết quả, đến năm 2020, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được uống đủ 3 liều vắc xin BL và trẻ dưới 5 tuổi được uống bổ sung đủ 2 liều vắc xin đạt trên 96%. Cùng với đó, hoạt động tiếp nhận vắc xin, vật tư y tế được thực hiện kịp thời, đáp ứng cho các chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng BL.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thanh toán bệnh BL trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, vi rút BL hoang dại vẫn còn lưu hành ở một số quốc gia, trong khi đó, sự giao lưu quốc tế gia tăng, nguy cơ lây truyền là hiện hữu. Đồng thời, một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa thật sự quan tâm giám sát, phát hiện, tìm kiếm tích cực LMC tại cộng đồng. Vẫn còn tâm lý lo ngại về phản ứng sau tiêm nên việc thực hiện tiêm đầy đủ các mũi cho trẻ theo mục tiêu đề ra gặp nhiều khó khăn…
Tổ chức Y thế giới WHO khuyến cáo, việc duy trì tiêm chủng để tạo miễn dịch bảo vệ, phòng bệnh là rất cần thiết cho đến khi bệnh BL được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu. Do vậy, thời gian tới, ngành Y tế cùng với các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát, duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin BL ở tất cả các tuyến; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng… Qua đó, chủ động ứng phó với bệnh BL, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN