Bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng

08:10, 07/06/2021

BHG - Những ngày qua, các tỉnh khu vực Bắc Bộ đã trải qua đợt nắng nóng cao điểm nhất kể từ đầu năm 2021. Hà Giang cũng không ngoại lệ, nền nhiệt đã có lúc lên đến 38 - 39 độ C. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ giờ đến hết tháng 6, sẽ có khoảng 2 - 3 đợt nắng nóng nữa. Thời tiết nắng nóng kéo dài có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân, như sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não và nguy hiểm nhất là đột quỵ…

Mặc áo chống nắng, che chắn khi đi đường là một trong những biện pháp người dân nên làm để phòng chống tác hại của nắng nóng.
Mặc áo chống nắng, che chắn khi đi đường là một trong những biện pháp người dân nên làm để phòng chống tác hại của nắng nóng.

Người có bệnh lý mạn tính, phải làm việc ngoài trời… là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng

Theo bác sĩ Chuyên khoa I Trần Hoài Quang – Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đức Minh (Tp. Hà Giang), có 4 nhóm đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nắng nóng.

Thứ nhất là nhóm đối tượng bắt buộc phải làm việc kéo dài ở ngoài trời khi thời tiết nắng nóng như nông dân, công nhân xây dựng, người tham gia giao thông trên đường trong thời gian dài,…

Thứ hai là nhóm đối tượng có bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tim mạch, bệnh lý hô hấp mạn tính,… Nhiệt độ cao có thể khiến bệnh lý biến chứng không lường trước được.

Nhóm đối tượng thứ ba là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do khả năng điều hòa thân nhiệt kém, trẻ không tự điều hòa được thân nhiệt để thích ứng với môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, trẻ chưa có ý thức về thời tiết nên mải vui chơi, hoạt động kéo dài trong thời tiết nắng nóng dẫn đến nguy cơ bị sốc nhiệt, say nắng.

Nhóm thứ tư là người già, người có sức chịu đựng kém, mang nhiều nguy cơ bệnh tật, phản xạ khát kém nên dễ bị thiếu nước,..

Chủ động phòng chống suy kiệt do nắng nóng

Nắng nóng có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não tới mọi người. Nếu không được bù nước đầy đủ có thể dẫn tới mất nước và chuột rút, trong khi cơ thể không thải đủ nhiệt sẽ dẫn đến suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng cần cấp cứu.

Để chủ động phòng chống suy kiệt do nắng nóng, bác sĩ chuyên khoa I, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Minh, Trần Hoài Quang, cho biết: Trong những ngày nắng gay gắt, nếu phải làm việc lâu ở ngoài trời, người dân nên cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều. Đây là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất. Đồng thời, cần có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, che chắn khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải lưu thông trên đường thì cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng. Cứ sau 1 khoảng thời gian lao động ngoài trời, người lao động cần vào chỗ râm mát tạm nghỉ 10 – 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước. Trung bình, một người nên uống từ 2,5 – 3 lít nước/ngày trong thời tiết nắng nóng.

Bên cạnh các biện pháp trên, người dân cũng cần tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh có tác dụng thanh nhiệt, uống nhiều nước chanh, cam, nước dừa… Khi mới ở nơi có nhiệt độ cao không nên tắm ngay bằng nước lạnh. Thay vào đó nên nghỉ ngơi để cơ thể hạ nhiệt, uống bù lại nước, để ráo mồ hôi. Sau khi tắm xong cũng không nên vào ngay phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp. Những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên qua lại giữa môi trường nóng - lạnh đột ngột, đặc biệt chú ý khi sử dụng điều hòa, không để nhiệt độ chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài rất dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nhiệt độ lý tưởng của điều hòa là khoảng 27 độ, những ngày quá nóng cũng chỉ nên chênh lệch với môi trường bên ngoài tối đa 10 độ C.

Vào mùa nắng nóng, rất dễ gặp các trường hợp sốc nhiệt hoặc say nắng. Khi phát hiện người có các biểu hiện: mặt đỏ bừng, da khô nóng, mệt lả, nôn mửa, đau đầu… người dân cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực nắng nóng, đưa đến nơi râm mát, nới rộng quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm toàn thân. Nếu bệnh nhân tỉnh thì cho uống nước mát để bù nước, nhanh chóng gọi 115 cấp cứu hoặc bố trí phương tiện phù hợp để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Khi bị say nắng, không nên cạo gió, không xức dầu nóng. Sau khi đã xử trí xong thì nên ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, uống nhiều nước, ăn thêm rau quả tươi…

Học sinh lớp 12 cần tăng cường đề kháng để bảo vệ sức khỏe trước mùa thi

Nắng nóng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với học sinh lớp 12 vốn đang phải chịu nhiều áp lực từ việc thi cử, ôn luyện tại trường hoặc tại các lớp luyện thi. Theo bác sĩ Trần Hoài Quang, các em học sinh cần đặc biệt lưu tâm đến việc tăng cường sức đề kháng để vượt qua thời kỳ nắng nóng, không để kết quả học tập giảm sút. Bác sĩ lưu ý các em nên luôn mang theo chai nước bên mình để có thể uống nước thường xuyên. Đồng thời hình thành các thói quen như uống nhiều nước, hạn chế ra ngoài, sinh hoạt điều độ, ngủ tối thiểu 7 giờ/ngày, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể và không lạm dụng thuốc mỗi khi mắc bệnh… để tăng cường khả năng miễn dịch, chống lại virus và các tác nhân gây bệnh trong thời tiết nắng nóng.

Bài, ảnh: Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sáng 7-6: Việt Nam thêm 44 ca mắc Covid-19 mới

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 18 giờ ngày 6-6 đến 6 giờ sáng 7-6, Việt Nam có thêm 44 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 12 ca liên quan đến Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng tại thành phố Hồ Chí Minh.

07/06/2021
Tối 6.6, Việt Nam ghi nhận thêm 65 ca mắc COVID-19

Tối 6.6, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 65 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 60 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (31), Bắc Ninh (18 ), TP. Hồ Chí Minh (11).

06/06/2021
Ngày hội hiến máu Giọt hồng trao hy vọng 2021

BHG - Từ ngày 28.5 đến ngày 5.6, Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh Hà Giang phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức Chương trình hiến máu tình nguyện (HMTN) "Giọt hồng trao hy vọng 2021".

06/06/2021
Sáng 6.6, Bộ Y tế công bố 39 ca mắc mới COVID-19 trong nước

Sáng 6.6, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, ghi nhận 39 ca mắc mới trong nước. 39 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (21), TP.Hồ Chí Minh (10), Bắc Ninh (8) đều là các ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

 

06/06/2021